Giá xăng có thể tăng mạnh trong kỳ điều hành ngày 26/9
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) dự báo, tại kỳ điều hành ngày 26/9 tới đây, giá xăng có thể tăng mạnh từ 4,4 - 4,8% nếu Liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia phân tích dữ liệu của VPI, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơ ron nhân tạo (Artificial Neural Network - ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của VPI dự báo giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành tới đây có thể tăng mạnh trở lại, trong đó xăng E5 RON 92 có thể tăng 833 đồng (4,4%) lên mức 19.773 đồng/lít, còn xăng RON 95-III có thể tăng 941 đồng (4,8%) lên mức 20.701 đồng/lít.
Mô hình của VPI dự báo kỳ này giá dầu có thể tăng 2,5 - 3,8%, trong đó dầu mazut có thể tăng 566 đồng (3,8%) lên mức 15.386 đồng/kg, dầu diesel dự báo tăng khoảng 2,9% lên mức 17.541 đồng/lít, dầu hỏa dự báo tăng khoảng 2,5% lên mức 17.983 đồng/lít. VPI dự báo Liên bộ Tài chính - Công Thương kỳ này sẽ tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trên thị trường thế giới, giá dầu đã tăng mạnh trong phiên giao dịch chiều 24/9. Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 11/2024 tăng 1,14%, lên 74,74 USD/thùng vào lúc 13 giờ 20 phút (giờ Việt Nam); Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 11/2024 cũng tăng 1,31%, lên 71,29 USD/thùng.
Giá dầu thế giới tăng mạnh là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo nhận định của giới phân tích, việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC - Ngân hàng trung ương Trung Quốc) ngày 23/9 đã "bơm" 234,6 tỷ nhân dân tệ (33,29 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng thông qua các hoạt động thị trường mở cho thấy Trung Quốc sẽ đẩy nhanh động thái nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tiếp đó, ngày 24/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC - Ngân hàng trung ương) đã công bố loạt biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang phải đối phó với vấn đề nợ kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, áp lực giảm phát liên tục và thất nghiệp cao ở giới trẻ.
Động thái này đã khiến các nhà đầu tư kỳ vọng nhu cầu dầu của nền kinh tế nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới này sẽ tăng lên trong thời gian tới, từ đó thúc đẩy giá dầu thế giới.
Nguyên nhân thứ hai khiến giá dầu tăng còn do thị trường lo ngại căng thẳng leo thang ở Trung Đông cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung từ khu vực sản xuất quan trọng này, trong khi một cơn bão lớn đang có nguy cơ ảnh hưởng tới nước Mỹ, nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, nhà phân tích thị trường cấp cao Kelvin Wong tại công ty tài chính OANDA có quan điểm rằng đà tăng giá dầu có khả năng không bền vững trong trung hạn, vì nhu cầu nội địa có thể tiếp tục yếu.