|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá vàng SJC tăng dựng đứng, tiếp tục chinh phục mốc 71 triệu đồng/lượng

10:02 | 07/03/2022
Chia sẻ
Giá vàng SJC hôm nay tăng tới hơn 1 triệu đồng/lượng ở hai chiều mua - bán và thiết lập kỷ lục mới 71 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Doji sáng nay (7/3) tăng mạnh, tiếp tục thiết lập kỷ lục mới 71 triệu đồng/lượng. Theo đó, ở chiều bán ra, giá vàng SJC tăng 1,4 triệu đồng/lượng so với ngày 6/3 lên 71 triệu đồng/lượng. 

Ở chiều mua vào, giá vàng SJC tại hệ thống cửa hàng này cũng tăng 1,3 triệu đồng/lượng lên 69,4 triệu đồng/lượng. Khoảng cách chênh lệch giữa hai chiều mua bán khá lớn, lên đến 1,6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tăng dựng đứng, tiếp tục chinh phục mốc 71 triệu đồng/lượng - Ảnh 1.

Giá vàng SJC tăng dựng đứng atrong sáng nay. (Nguồn: Doji)

Trong phiên giao dịch sáng ngày 7/3, giá vàng giao ngay tăng 0,76% lên 1.987,4 USD/ounce vào lúc 6h44 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 4 cũng tăng 0,83% lên 1.991,15 USD.

Giá vàng tiếp đà tăng mạnh trong phiên giao dịch sáng ngày thứ Hai (7/3) và tiến sát mốc 1.990 USD/ounce, vì các lệnh trừng phạt bổ sung của phương Tây nhằm vào Nga.

Đầu phiên giao dịch sớm, có thời điểm giá tăng gần 1% lên hơn 1.990 USD/ounce.

Goldman giải thích rằng vàng sẽ đóng vai trò trung tâm trong cuộc tranh chấp địa chính trị này, khi Nga chuyển sang sử dụng kim loại quý để làm đòn bẩy trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đang ảnh hưởng tới nền kinh tế Nga.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, dự trữ vàng của Nga là 2.298,53 tấn.

Mặc dù giá vàng liên tục tăng nóng thời gian qua, giới phân tích Việt Nam cho rằng đây chỉ là đợt tăng ngắn hạn và sẽ sớm kết thúc.

Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect nhận định đây chỉ là đà tăng ngắn hạn khi căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.

Theo đó, vàng vốn dĩ được coi là “tài sản trú ẩn an toàn” và dữ liệu lịch sử cho thấy mỗi khi các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng có xu hướng tăng trong ngắn hạn.

Tuy vậy, đà tăng của giá vàng thường không kéo dài và sẽ quay đầu giảm trở lại khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt.

Thống kê lịch sử cho thấy, mỗi khi sự kiện xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng thường lập đỉnh trong vòng 2-3 tuần sau đó, với mức tăng bình quân khoảng 4,3%.

Sau đó, giá vàng có xu hướng quay đầu giảm khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt. Trong khoảng thời gian 3-12 tháng, tác động của sự kiện đến giá vàng sẽ phai nhạt. Động lực khi đó của giá vàng sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế và chính sách tiền tệ nhiều hơn.

Trong bối cảnh cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể bắt đầu tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp giữa tháng 3 tới đây thì áp lực đè lên giá vàng sẽ lớn dần.

VNDirect cho rằng cho rằng đà tăng ngắn hạn của giá vàng có thể sớm kết thúc và bước vào một giai đoạn điều chỉnh khi FED đẩy nhanh quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ và tăng lãi suất điều hành trong năm 2022.

H.Mĩ