Giá vàng SJC phớt lờ đà giảm của thế giới, bật tăng đến nửa triệu đồng/lượng
Giá vàng trong nước lấy lại đà tăng
Mở phiên giao dịch đầu tuần 30/3, giá vàng SJC không có nhiều thay đổi so với cuối tuần trước nhưng đến đầu giờ chiều kim loại quí bất ngờ tăng vọt, đồng thời chênh lệch giữa chiều mua và chiều bán cũng được kéo rộng tại các hệ thống cửa hàng vàng.
Cụ thể, khảo sát vào lúc 14h30 cùng ngày, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giá vàng niêm yết ở mức 47,4 triệu đồng/lượng theo chiều mua vào còn chiều bán ra là 48,4 - 48,42 triệu đồng/lượng, tăng đến 500.000 đồng/lượng ở mỗi chiều so với đầu phiên hôm nay. Chênh lệch giá mua – bán được giãn rộng lên 1 triệu đồng/lượng.
Tại Tập đoàn Phú Quý, vàng SJC giao dịch mua vào 47,3 triệu đồng/lượng, bán ra 48,2 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng và 300.000 đồng/lượng theo hai chiều mua - bán so với giá mở cửa buổi sáng. Chênh lệch hai chiều là 900.000 đồng/lượng.
Tương tự, tại hệ thống PNJ, giá vàng trong nước đang mua vào ở mức 47,1 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng và bán ra ở mức 48,2 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng so với sáng sớm 30/3.
Theo đó, với đà bật tăng này hiện giá trần mua vào của vàng miếng SJC đang ở mốc 47,4 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra đã vượt mốc 48 triệu đồng, đạt ngưỡng 48,42 triệu đồng/lượng.
Tuần qua giá vàng SJC được điều chỉnh tăng theo giá thế giới. Tính chung cả tuần, giá vàng miếng đã tăng khoảng 1-1,6 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước đó. Đây là tuần tăng cao thứ 2 trong tháng 3 năm nay.
Giá vàng thế giới về sát mốc 1.600 USD/ounce
Trong khi đó, giá vàng thế giới trưa ngày 30/3 lại giảm 1%, đang ở mức 1.611,7 USD/ounce theo Kitco, giá vàng giao tháng 4 cũng giảm 0,41% ở mốc 1.647,05 USD/ounce.
Theo Reuters, giá vàng giảm thấp vào thứ Hai (30/3) khi các nhà đầu tư lựa chọn tiền mặt trong bối cảnh lo ngại virus corona tác động đến kinh tế ngày càng sâu sắc.
Như vậy, giá vàng thế giới đang tiến gần trở về mốc 1.600 USD sau khi đã rơi từ mức 1.631,1 USD/ounce ở đầu phiên xuống còn 1.611,7 USD/ounce, giảm gần 20 USD/ounce nhưng giá vàng SJC lại tăng khiến khoảng cách chênh lệch giãn rộng.
Qui đổi theo tỷ giá tại Vietcombank cùng thời điểm, vàng thế giới có giá hơn 46 triệu đồng/lượng, thấp hơn trong nước đến 2,2 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, khảo sát giá vàng mới nhất của Kitco cho thấy, cả giới chuyên gia và nhà đầu tư đều tin tưởng giá vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tuần này.
Cụ thể, trong 14 chuyên gia thị trường đã tham gia vào cuộc khảo sát Phố Wall, có 10 người (71%) ủng hộ xu hướng tích cực của vàng. Chỉ có một chuyên gia (7%) cho rằng giá kim loại quí sẽ giảm, trong khi 3 người còn lại (21%) có quan điểm trung lập.
Còn với 1.595 người đã tham gia cuộc thăm dò trực tuyến trên Phố Main, có 1.138 người (71%) nhận định vàng tăng giá trong tuần tới. 244 người (15%) dự đoán giá kim loại quý đi xuống, trong khi 213 người (13) có ý kiến giá vàng thế giới sẽ bình ổn.
Nguyên nhân khiến nhiều chuyên gia và nhà đầu tư tự tin đưa ra nhận định vàng tăng giá bởi kim loại quí vẫn đang được hưởng nhiều thông tin hỗ trợ từ thị trường cũng như ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tới những nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuần qua, giá vàng thế giới hồi phục mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thực hiện nhiều biện pháp mới mạnh mẽ để chống lại tác động kinh tế của sự bùng phát COVID-19. Điều này cũng góp phần ổn định tâm lí của giới đầu tư. Tuy nhiên, vàng cũng chịu áp lực bởi đồng USD hồi phục.