Giá vàng sẽ đi về đâu sau cú lao dốc ngày 18/7?
Lãi suất - Kẻ thù của giá vàng
Thị trường vàng thế giới và trong nước những ngày gần đây biến động mạnh vì những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là vấn đề về lãi suất và căng thẳng địa chính trị.
Trong chiều ngày 18/7, giá vàng SJC giảm tới 5 triệu đồng/lượng so với đầu ngày xuống 64 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Chiều mua vào cũng giảm gần 4 triệu đồng/lượng xuống 62 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, chiều tối cùng ngày, giá vàng SJC hồi phục mạnh 1,5 triệu đồng/lượng lên 63,5 - 65,5 triệu đồng/lượng lần lượt ở hai chiều mua bán.
Giá vàng SJC giảm mạnh được cho là do ảnh hưởng bởi đà lao dốc của giá vàng thế giới thời gian qua. Chỉ trong vòng 1 tháng, giá vàng giảm từ mốc khoảng 1.840 USD/ounce xuống quanh mốc 1.700 USD/ounce. Còn giá vàng trong nước đã “giữ nhịp” suốt 1 tháng qua, đi ngang quanh mốc 68 triệu đồng/lượng sau đó chính thức giảm mạnh trong ngày 18/7.
Áp lực lạm phát đè nặng lên quyết định điều chỉnh lãi suất của ngân hàng Trung ương các nước, đặc biệt là Mỹ. Lần gần đây nhất là giữa tháng 6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm và đưa lãi suất chuẩn lên khoảng 1,5 - 1,75%.
Đây là lần tăng lãi suất lần thứ 3 trong nửa đầu năm 2022, đồng thời là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994 trong nỗ lực kiềm chế lạm phát phi mã. Trong tháng 6, chỉ số CPI của nước này tăng tới 9,1% - mức cao nhất trong 40 năm qua.
Thông thường, tăng lãi suất được xem là “kẻ thù” của giá vàng bởi việc này sẽ khiến kim loại quý không còn là khoản đầu tư hấp dẫn so với các tài sản khác như trái phiếu, quỹ ETF. Thực tế, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng từ mức 1,4% hồi đầu năm lên khoảng 3%.
Trước đó, hồi đầu năm, khi tình hình chính sự Nga - Ukraine bùng nổ, kèm theo lạm phát cao, lãi suất thấp, vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn hấp dẫn và liên tục chinh phục các đỉnh.
Giá vàng sẽ đi về đầu?
Đó là câu hỏi mà nhà đầu tư đặt ra lúc này trước những biến động giá vàng ở thời điểm hiện tại.
Trao đổi với người viết, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của CTCK Maybank Kim Eng nhận định khi giá vàng thế giới đang chậm mốc hỗ trợ trung và dài hạn khá mạnh nên có thể sắp tới sẽ có nhịp hồi.
“Nên có tỷ trọng vàng trong danh mục đầu tư nhưng đừng nên mua quá nhiều, tối đa là 20%. Tôi không quá kỳ vọng giá vàng tăng mạnh như các tài sản khác, chỉ ngang ngửa hoặc hơn chút so với lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường nhiều rủi ro như bây giờ thì đây là tài sản trú ẩn tốt”, ông Khánh nói.
Chia sẻ trên kênh Tài chính & Kinh doanh, ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vàng Việt Nam nhận định trong khoảng quý II, những thông tin tiêu cực đối với giá vàng nổi lên khá mạnh mẽ, đặc biệt là lãi suất. Đồng thời chỉ số đồng USD tăng, gáp áp lực lên giá vàng.
Các chuyên gia cho rằng Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 7 khoảng 0,75% lên khoảng 2,5%. Trong khi đó, Mỹ đang hướng tới mức lãi suất khoảng 3,5% trong năm nay. Như vậy, sau tháng 7 này, nếu Fed tăng suất 0,75% thì dư địa cho các lần tăng tới chỉ khoảng 1% nữa. Do đó, sau tháng 7, Fed có thể tăng lãi suất một cách từ tốn hơn. Áp lực với tất cả tài sản bao gồm vàng, chứng khoản cũng sẽ bớt dần.
Ngoài ra, rủi ro bất ổn địa chính trị leo thang trở lại cũng là một yếu tố hỗ trợ cho giá vàng trong 6 tháng cuối năm. Khi đó, mùa thu đông đến gần, nhu cầu năng lượng của các nước Châu Âu cao trong khi nguồn cung từ Nga bị gián đoạn bởi các lệnh trừng phạt.
Bên cạnh đó, Thuỵ Điển và Phần Lan mới gia nhập NATO. Do đó, ông Hưng cho rằng căng thẳng địa chính trị phần nào quay trở lại vào cuối năm.
Giá thế giới rơi từ mức đỉnh khoảng 2.040 USD/ounce thiết lập hồi tháng 3 xuống còn khoảng 1.700 USD/ounce. Đây cũng là mức thấp của năm 2021.
“Khả năng thời gian này, giá vàng sẽ tạo đáy trước khi tăng bật về mốc 1.800 - 1.900 USD/ounce vào cuối năm”, ông Hưng dự báo
Ông Nguyễn Minh Tuấn Giám đốc điều hành, kiêm đồng sáng lập của Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA), CEO của AFA Capital nhận định vàng cũng là hàng hoá và có tính chu kỳ. Theo thường lệ, mùa hè sẽ là thời gian thấp điểm nhưng cuối năm lại tăng cao, đặc biệt là bắt đầu từ tháng 10. Thời điểm đó, Ấn Độ và Trung Quốc bước vào mùa cưới và đây là hai thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.
Mặc dù vậy, ông Tuấn cho rằng chỉ nên nắm giữ vàng ở mức tỷ trọng khoảng 5 - 10% trong danh mục đầu tư ở thời điểm hiện tại.
Nhìn xa hơn một chút, diễn biến thị trường vàng trong nước dường như đi ngược so với các tài sản khác trong nửa đầu năm nay. Điển hình như thị trường chứng khoản giảm khoảng 20% trong khi đó, giá vàng SJC tăng 6% mặc dù vàng thế giới giảm 5%.
Tuy nhiên, chênh lệch mua - bán của giá vàng SJC vẫn ở mức khá cao, nhất là những lúc thị trường biến động lớn. Có thời điểm mức chênh lệch này lên tới 3 triệu đồng/lượng, tiềm ẩn rủi ro với những nhà đầu “lướt sóng”.