Giá vàng hôm nay 14/11: SJC tiếp tục trái chiều thế giới
Giá vàng trong nước biến động nhẹ:
Giá vàng hôm nay (ngày 14/11) không có nhiều sự thay đổi tại các hệ thống cửa hàng được khảo sát vào lúc 8h30.
Cụ thể, tại Tập đoàn Doji và Tập đoàn Phú Quý, vàng SJC điều chỉnh giảm lần lượt 40.000 đồng/lượng và 30.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra.
Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn và hệ thống PNJ, SJC đều giữ nguyên theo cả chiều mua – bán so với giá chốt phiên chiều qua.
Hiện, giá trần mua vào của vàng miếng SJC là 41,22 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra của vàng miếng SJC là 41,44 triệu đồng/lượng.
Còn vàng nữ trang SJC gồm vàng nữ trang loại 24K, vàng nữ trang loại 18K và loại 14K cũng không có sự tăng giảm ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Vàng SJC tại một số hệ thống cửa hàng được khảo sát vào lúc 8h30. (Tổng hợp: Như Huỳnh)
Ảnh minh họa
Giá vàng thế giới tăng nhẹ
Giá vàng giao ngay đạt 1.463,70 USD/ounce theo Kitco; vàng giao tháng 12 tăng 0,04% lên 1.464,75 USD, ghi nhận vào lúc 6h55 (giờ Việt Nam) ngày 14/11.
Thứ Tư (13/11), giá vàng đã tăng do bất ổn trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến thị trường nghi ngại những ảnh hưởng từ cuộc chiến thuế quan đến tinh hình kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết một thỏa thuận thương mại đang đến rất gần nhưng không đưa ra chi tiết về thời điểm hoặc địa điểm văn bản này sẽ được kí kết.
Bài phát biểu của ông Trump, vốn được mong chờ là một tin tức quan trọng liên quan đến chính sách kinh tế của chính phủ, đã gây ra nỗi thất vọng lớn cho các nhà đầu tư.
Ông cũng làm xáo trộn thị trường khi đe dọa sẽ áp thuế mạnh tay hớn đối với Trung Quốc nếu quốc gia châu Á không chịu thông qua thỏa thuận.
Lukman Otunuga, chuyên gia phân tích của FXTM, cho biết bất cứ thông tin nào xung quanh vấn đề đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tâm lí thị trường toàn cầu.
Trong những tuần gần đây, cả Bắc Kinh và Washington đều nhận định đang đạt được tiến bộ trong các cuộc đối thoại và có khả năng giảm bớt một số mức thuế.
Mặc dù vậy, những thông tin sau đó đã bắt đầu gây nhiễu thị trường.
Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình tại Hong Kong hiện nay cũng là một bất ổn địa chính trị lớn, tiếp tục thúc đẩy lo ngại về đầu tư rủi ro.
Các cuộc biểu tình tại Hong Kong tiếp tục làm nóng những căng thẳng trên thị trường khi người biểu tình chống chính phủ đã lên kế hoạch để làm tê liệt các bộ phận của đất nước trong 3 ngày.
Phương tiện giao thông, trường học và nhiều doanh nghiệp tại trung tâm kinh tế quan trọng của châu Á đã đóng cửa sau khi bạo lực leo thang khắp thành phố.
Chuyên gia phân tích của Julius Baer, ông Carsten Menke, nhận định sự suy yếu gần đây của vàng chủ yếu là kết quả của việc gia tăng niềm tin trên thị trường và động thái bán ra của giới đầu cơ ngắn hạn.
Tuy nhiên, đây cũng có thể là một cơ hội tốt để mua vào theo quan điểm của ông Menke.
Trong khi đó, USD ít biến động khi các nhà đầu tư chờ đợi phiên điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trước ủy ban quốc hội.
Trong số các kim loại quí khác, giá palladium đã tăng 1,8% lên 1.730,17 USD/ounce, giá bạc tăng 1,2% lên 16,98 USD.
Giá bạch kim đã tăng 0,8% lên 875,26 USD/ounce, kết thúc 4 phiên giảm liên tiếp, theo Reuters.