|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá vàng hôm nay 27/6: Vàng SJC tăng không quá 150.000 đồng/lượng trong phiên sáng đầu tuần

06:36 | 27/06/2022
Chia sẻ
Giá vàng hôm nay tăng theo xu hướng thế giới nhờ đồng USD giảm và nhu cầu tài sản trú ẩn tăng sau khi nhóm quốc gia G7 áp lệnh cấm mới đối với vàng nhập khẩu từ Nga.

Giá vàng SJC tại các hệ thống vào lúc 8h40 sáng nay

Xem thêm: Giá vàng hôm nay 28/6

Mở phiên giao dịch đầu tuần sáng thứ Hai ngày 27/6, giá vàng trong nước tăng tại một số cửa hàng kinh doanh trong khoảng 50.000 - 150.000 đồng/lượng.

Cụ thể, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh giá vàng SJC tăng thêm 150.000 đồng/lượng cho chiều mua và tăng 50.000 đồng/lượng cho chiều bán.

Tập đoàn Doji điều chỉnh vàng SJC tăng 100.000 đồng/lượng (mua vào) và tăng 50.000 đồng/lượng (bán ra).

Trong khi đó, vàng SJC đứng yên không đổi cho cả hai chiều giao dịch tại doanh nghiệp Phú Quý và hệ thống PNJ.

Hiện tại, giá trần mua vào của vàng SJC đạt mốc 67,95 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra có ngưỡng 68,67 triệu đồng/lượng.

Các loại vàng nữ trang khác tăng trong phiên giao dịch sáng nay. Cụ thể, giá vàng 24K tăng 50.000 đồng/lượng, vàng tây 18K tăng 40.000 đồng/lượng và vàng 14K tăng 30.000 đồng/lượng cho cả hai chiều giao dịch.

Giá vàng SJC Ngày 27/6/2022 Thay đổi (nghìn đồng/lượng)
Mua vào(triệu đồng/lượng) Bán ra(triệu đồng/lượng) Mua vào Bán ra
Vàng miếng SJC chi nhánh Hà Nội 67,95 68,67 +150 +50
SJC chi nhánh Sài Gòn 67,95 68,65 +150 +50
Tập đoàn Doji 67,85 68,60 +100 +50
Tập đoàn Phú Quý 67,85 68,55 - -
PNJ chi nhánh Hà Nội 67,70 68,50 - -
PNJ chi nhánh Sài Gòn 67,70 68,50 - -
Vàng nữ trang 99,99% (vàng 24K) 53,60 54,3 +50 +50
75% (vàng 18K) 38,88 40,88 +40 +40
58,3% (vàng 14K) 29,81 31,81 +30 +30

Vàng SJC tại một số hệ thống cửa hàng được khảo sát vào lúc 8h40. (Tổng hợp: Thanh Hạ)

 Ảnh: Thanh Hạ

Giá vàng thế giới tăng trở lại trên 1.830 USD/ounce

Trong phiên giao dịch sáng ngày 27/6, giá vàng giao ngay tăng 0,24% lên 1.831 USD/ounce vào lúc 6h40 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 8 cũng tăng 0,17% lên 1.833,35 USD. 

Giá vàng tăng trong phiên giao dịch sáng ngày thứ Hai (27/6), nhờ đồng USD giảm và nhu cầu tài sản trú ẩn tăng sau khi nhóm quốc gia G7 áp lệnh cấm mới đối với vàng nhập khẩu từ Nga.

Đồng USD giảm giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, giảm 0,13% xuống 103,82. 

Trong khi đó, các thành viên của nhóm G7, đại diện cho các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới, đã thêm vàng vào lệnh trừng phạt của họ đối với Nga vì cuộc tấn công của nước này vào Ukraine.

Chủ nhật (26/6), tại cuộc họp của nhóm G7, Mỹ, Anh, Nhật Bản và Canada tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu vàng mới được sản xuất tại Nga. 

Sau thông báo này, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay lệnh cấm vàng mới sẽ lấy đi của Nga hàng chục tỷ USD mà quốc gia này cần để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.

Nga là nhà sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới, chiếm 9,5% nguồn cung toàn cầu. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu vàng của Nga đạt hơn 15 tỷ USD. Lệnh trừng phạt mới có thể ảnh hưởng mạnh nhất đến thị trường vàng London.

Theo Bloomberg, 28% lượng vàng của Nga đã được xuất khẩu sang London. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết lệnh cấm sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế Nga.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã đặt ra nghi ngờ về tác động của lệnh trừng phạt mới nhất đối với Nga.

Tuyên bố của G7 được đưa ra vài tháng sau khi ngành công nghiệp này thực hiện các biện pháp riêng của mình để ngăn chặn vàng của Nga tham gia thị trường.

Cụ thể, hồi đầu tháng 3, ngay sau khi Nga tấn công Ukraine, Hiệp hội Thị trường vàng London (LBMA) đã cấm 6 nhà máy tinh luyện của Nga khỏi danh sách giao hàng.

Tại thời điểm đó, LBMA lưu ý rằng lệnh cấm dự kiến ​​sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến thị trường vàng toàn cầu vì sản lượng vàng của Nga chủ yếu là trong nước.

Lệnh cấm chính thức đối với vàng của Nga có thể có tác động lớn hơn đến thị trường. Ông Thorsten Polleit, nhà kinh tế trưởng của Degussa, nói rằng kim loại vật chất giảm có thể dẫn đến các vấn đề trên thị trường thương phiếu. 

Trong khi hầu hết hợp đồng vàng tương lai được thanh toán, tình hình bất ổn địa chính trị ngày càng tăng và sự biến động của thị trường đang tạo ra nhu cầu mạnh mẽ đối với vàng vật chất.

Các nhà phân tích khác đã lưu ý rằng lệnh trừng phạt mới sẽ chỉ áp dụng cho các quốc gia G7. Hai quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ có thể tiếp tục mua kim loại quý của Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, ông Byron King, biên tập viên của Agora Financial, cho hay các biện pháp trừng phạt mà các quốc gia phương Tây đang áp dụng với Nga có thể phản tác dụng khi giá dầu và lương thực tiếp tục tăng.

Ông nói thêm rằng việc vũ khí hóa đồng USD để chống lại Nga có thể gây ra những hậu quả lớn đối với nền kinh tế Mỹ.

Tố Tố