Giá vàng hôm nay 2/1: Lặng sóng khi các thị trường vẫn trong kỳ nghỉ Năm mới
Giá vàng thế giới lặng sóng
Xem thêm: Giá vàng hôm nay 3/1
Trong phiên giao dịch sáng ngày 2/1, giá vàng giao ngay ghi nhận ở 1.824,5 USD/ounce, theo kitco, trong khi giá vàng giao tháng 2 đạt 1.830,1 USD.
Giá vàng không thay đổi trong phiên giao dịch sáng ngày thứ Hai (2/1) vì các thị trường đang đóng cửa đón Năm mới.
Thị trường vàng đã có một kết thúc vững chắc cho năm 2022 và theo một công ty nghiên cứu, động lực của nó trong quý IV sẽ tiếp tục trong năm 2023, theo Kitco News.
Trong triển vọng năm 2023, các nhà phân tích tại BCA cho biết họ thấy giá vàng sẽ vượt trên 1.900 USD/ounce vào năm tới. Triển vọng tích cực xuất hiện khi công ty bắt đầu xây dựng vị thế tăng giá vào tháng 11.
Công ty nghiên cứu đang lạc quan về vàng khi họ kỳ vọng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đạt đỉnh, lạm phát duy trì ở mức cao và bất ổn kinh tế toàn cầu sẽ hỗ trợ giá trong năm mới.
“Diễn biến của giá vàng trong năm 2023 sẽ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Fed và tác động của nó đối với quỹ đạo của đồng USD. Với bối cảnh bất ổn gia tăng trong năm 2023 và một Fed ôn hòa, đồng USD sẽ suy yếu, nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng sẽ tăng lên", các nhà phân tích cho biết trong báo cáo.
Hiện tại, các thị trường đang kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất lên mức cao nhất trong khoảng từ 5,00% đến 5,25% trong nửa đầu năm nay. BCA cho biết khi nỗi lo suy thoái gia tăng, họ hy vọng ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024.
Mặc dù lạm phát đã giảm từ mức cao nhất vào mùa hè, BCA cảnh báo các nhà đầu tư rằng mối đe dọa vẫn còn và các nhà phân tích nhận thấy nguy cơ lạm phát sẽ không được kiểm soát vào năm 2023.
“Chúng tôi cho rằng Fed sẽ vẫn chưa nâng lãi suất đủ nhanh so với sự leo thang của lạm phát, vì cơ quan này nhắm mục tiêu vào lạm phát cơ bản khi thực hiện chính sách tiền tệ, chứ không phải lạm phát toàn phần.
Điều này sẽ làm mất đi những kỳ vọng lạm phát hiện tại vì chúng tôi tin rằng, chính lạm phát toàn phần - chủ yếu là giá năng lượng và lương thực - đã thúc đẩy các quyết định về giá và tiền lương của các hộ gia đình và doanh nghiệp", các chuyên gia cho hay.
Cùng với nhu cầu đầu tư vàng ngày càng tăng, BCA nhận thấy nhu cầu vật chất gia tăng do ngân hàng trung ương mua vào nhiều hơn.
"Về dài hạn, các ngân hàng trung ương sẽ muốn thay thế đồng USD bằng vàng trong kho dự trữ để tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ bị phương Tây trừng phạt tài chính giống như những gì Nga đang đối mặt hiện nay”, theo BCA.
Rủi ro lớn nhất đối với triển vọng tăng giá của BCA là mối đe dọa lạm phát kéo dài, yếu tố mà các chuyên gia cho rằng sẽ buộc ngân hàng trung ương Mỹ phải duy trì các chính sách tiền tệ tích cực của mình.
“Lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không sinh lãi và sẽ hỗ trợ đồng USD, vốn biến động trái chiều với vàng”, các chuyên gia BCA nói.