|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá vàng có thể lấy lại đà tăng, vượt mốc 63 triệu đồng/lượng?

06:30 | 27/11/2021
Chia sẻ
Giới chuyên gia cho rằng giá vàng có thể quay lại “đường đua” và vượt mốc 63 triệu đồng/lượng và nhiều khả năng giá vàng đang tạo nền mới. Tuy nhiên, một số lại tỏ ra bi quan trước triển vọng giá vàng.

Nhiều dự báo trái chiều về giá vàng

Tháng 11 đánh dấu sự trở lại của “làn sóng” mới của giá vàng trong nước khi chính thức chạm đỉnh cũ là hơn 62 triệu đồng/lượng - mốc kỷ lục đã thiết lập hồi tháng 8/2020. Động lực chủ yếu đến từ giá vàng thế giới vượt mốc 1.800 USD/ounce vì lạm phát ở nhiều nước lớn như Mỹ và khu vực Châu Âu ở ngưỡng cao.

Tuy nhiên làn sóng này không duy trì được lâu khi mới đây giá vàng bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt xuống còn khoảng 60 triệu đồng/lượng theo đà giảm giá vàng thế giới do áp lực chốt lời. 

Giá vàng có thể lấy lại đà tăng, vượt mốc 63 triệu đồng/lượng? - Ảnh 1.

Diễn biến giá vàng SJC trong 1 tháng qua. Nguồn: giavang24h

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng đây chỉ là đợt điều chỉnh trong ngắn hạn và giá vàng có thể có thể phá vỡ kỷ lục cũ.

Trao đổi với người viết, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Giá vàng có thể tiếp tục xu hướng đi lên do tình hình lạm phát thế giới ngày càng nghiêm trọng hơn khi hàng loạt quốc gia bơm tiền để phục hồi nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc đứt gãy chuỗi cung ứng khiến giá cả hàng hóa ngày một tăng cao, gây áp lực lên lạm phát”

Vị này cho rằng từ nay đến cuối năm giá vàng sẽ quay lại “đường đua” và vượt mốc 63 triệu đồng/lượng và nhiều khả năng giá vàng đang tạo nền mới.

Trang Livemint dẫn lời các chuyên gia hàng hóa nhận định các yếu tố giúp giá vàng bật tăng trong tương lai vẫn không đổi khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì lập trường ôn hòa về việc tăng lãi suất, trong khi áp lực lạm phát trên toàn cầu vẫn lớn dần và dữ liệu kinh tế yếu của Mỹ vẫn còn đó.

Bà Anuj Gupta, Phó Chủ tịch cấp cao tại hãng tư vấn IIFL Securities, cho hay: "Giá vàng vừa qua đi xuống là do nhà đầu tư bán chốt lời. 

Trên thực tế, các động lực củng cố thị trường kim loại quý vẫn còn, như Fed chưa muốn tăng lãi suất sớm, lạm phát tăng nóng, nhu cầu công nghiệp với vàng bạc đi lên và dữ liệu kinh tế của Mỹ vẫn còn kém khả quan".

Bà Gupta tin giá của kim loại quý này có thể vọt lên 1.960 - 1.980 USD/ounce (tương đương khoảng 54 triệu đồng/lượng).

Trong khi đó, thời gian qua, giá vàng trong nước cao hơn khá nhiều so với giá thế giới lên tới 9 triệu đồng/lượng; thậm chí có thời điểm khoảng cách này nới rộng lên tới 12 triệu đồng/lượng. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trên thế giới tỏ ra khá bi quan trước khả năng giá vàng tiếp tục giảm, nhất là khi ngưỡng kháng cự 1.800 bị phá vỡ.

Theo một số nhà phân tích, dù áp lực lạm phát vẫn còn lớn và đang tiếp tục hỗ trợ cho giá vàng, kim loại quý này lại không thể chống chọi được lực cản khi lợi suất trái phiếu Kho bạc tăng lên. Hiện, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm đang giao dịch quanh mức đỉnh một tháng, khoảng 1,66%.

Ông Daniel Briesmann, chuyên gia phân tích kim loại quý tại Commerzbank, cho biết việc thị trường kỳ vọng Fed sẽ tích cực siết chặt chính sách đã kéo lợi suất trái phiếu Kho bạc tăng cao hơn.

Bà Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cấp cao tại Swissquote Bank, lưu ý vàng sẽ tiếp tục chật vật tìm chỗ đứng khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng cao hơn.

Chuyên gia phân tích Lukman Otunuga của nền tảng FXMT cũng dự đoán giá vàng sẽ sụt giảm mạnh hơn khi tâm lý bi quan trở lại thị trường. "Nhìn vào biểu đồ kỹ thuật, thật đau lòng khi thấy giá vàng tụt dốc từ mức đỉnh 5 tháng…", ông Otunuga bày tỏ.

"Nếu tâm lý bi quan của nhà đầu tư trỗi dậy và giá vàng kết thúc tuần giao dịch dưới mức 1.777 USD/ounce, đây có thể là dấu hiệu cho một đợt giảm mạnh trong ngắn hạn và trung hạn", vị chuyên gia tiếp tục.

Không nên coi vàng là kênh đầu tư ngắn hạn

Giá vàng bất ngờ tăng mạnh khiến một số người rơi vào trạng thái FOMO (hội chứng tâm lý sợ bị mất cơ hội) và lao vào mua vàng như một kênh đầu tư.

Điều này khiến họ phải nếm trái đắng “đu đỉnh” khi chỉ sau 4 ngày (17/11 - 20/11) người mua lỗ tới 3 triệu. Mặc dù giá vàng hiện đã đang dần phục hồi về mốc 60 triệu đồng/lượng (chiều mua) nhưng nhà đầu tư ngắn hạn vẫn chưa thể “về bờ” khi chênh lệch mua - bán đang khá lớn, khoảng 800 đồng/lượng.

Theo ông Hiếu, không nên coi vàng là kênh đầu tư “lướt sóng” mà thay vào đó coi đây là nơi tích lũy tài sản bởi chênh lệch giá mua - bán, giá trong nước - quốc tế khá lớn, rủi ro đẩy về người mua vàng. 

“Mua vàng mất ít nhất 2 - 3 năm mới có thể sinh lời”, ông Hiếu nhận định.

Theo quan sát của một số chuyên gia, trong đợt sóng giá vàng lần này, ít người quan tâm hơn so với làn sóng năm ngoái mặc dù mức đỉnh khá tương đương nhau. 

Một phần vì mức tăng giá năm ngoái tăng “sốc” hơn năm nay khi nền giá trước đó chỉ khoảng 45 - 49 triệu đồng/lượng còn nền lần này khoảng 57 triệu đồng/lượng. Do đó, biên độ biến động không nhiều. 

Ngoài ra, sức hấp dẫn các tài sản rủi ro khác như chứng khoán, bất động sản đã hút dòng tiền của các nhà tư. 

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư tại Maybank Kim Eng, cho rằng khả năng lời quá ít của kim loại quý đã khiến sự quan tâm của nhà đầu tư không còn mặn mà so với các tài sản đầu tư khác.

"Khả năng sinh lời khi đầu tư vàng thời điểm này rất thấp so với các kênh như chứng khoán, bất động sản hay thậm chí cả gửi tiết kiệm ngân hàng. Chưa kể rủi ro nếu chênh lệch mua bán thời gian tới nới rộng nữa thì thiệt hại càng nhiều", ông Khánh cho biết.

Điều này phản ánh trực tiếp vào mức chênh lệch mua - bán mặc dù ở mức khá cao 700.00 - 800.000 đồng/lượng nhưng cũng chỉ bằng một nửa so với thời điểm giá vàng lập kỷ lục năm ngoái. 

H.Mĩ

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.