|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá tôm hùm trên vịnh Vân Phong giảm hơn 1 triệu đồng/kg, người chăn nuôi đứng trước nguy cơ thua lỗ

10:46 | 25/08/2021
Chia sẻ
Tôm hùm bông liên tục rớt giá từ khi dịch COVID-19 bùng phát đợt 4. Đến nay, mỗi ký tôm hùm giảm hơn 1 triệu đồng và chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi đó giá thực phẩm nuôi tôm đang tăng chóng mặt.

Giá tôm hùm giảm sốc hơn 1 triệu đồng/kg

Người nuôi tôm hùm bông ở khu vực vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh cho biết, trước Tết Trung Thu là lúc thị trường Trung Quốc "ăn mạnh", đây cũng được xem là vụ chính của nghề nuôi tôm hùm nhưng giá đang giảm không phanh.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Sơn có hơn 20 lồng tôm hùm khu vực Đầm Môn, huyện Vạn Ninh cho hay, giá tôm bắt đầu giảm mạnh từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại nhưng giá thực phẩm (mồi) nuôi tôm lại tăng mỗi ngày. Nhất là khi địa phương bắt đấu áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch.

Ảnh hưởng COVID-19 tôm hùm trên vịnh Vân Phong giảm hơn 1 triệu đồng/kg  - Ảnh 1.

Giá tôm hùm đã giảm hơn 1.000.000 đồng kg khi dịch COVID-19 bùng phát đợt 4. (Ảnh: Khải An).

Hiện giá tôm hùm loại 3 (550g -700g) đang có giá 1,2 triệu đồng/kg, tôm hùm loại 2 (700g – 1.000g) khoảng 1,6 triệu đồng/kg, tôm hùm loại 1 (hơn 1kg) có giá hơn 2,1 triệu đồng/kg.

Với giá hiện này, người nuôi tôm hùm cho biết đã giảm hơn 1 triệu đồng/kg so với cách đây 3 tháng. Đơn cử, tôm hùm loại 3 trước dịch có giá hơn 2,3 triệu đồng/kg, sau đó giá rớt còn 1,6 triệu đồng/kg và hiện nay khoảng 1,2 triệu đồng/kg.

Theo tìm hiểu của người viết, giá tôm hùm đang giảm mạnh một phần xuất phát từ việc vận chuyển tôm trong dịch COVID-19 để xuất sang Trung Quốc đang gặp hàng loạt trở ngại vì cần nhiều loại thủ tục để lưu thông bằng phương tiện đường bộ.

"Trước đây, mỗi kg tôm vận chuyển bằng xe ô tô xuất theo đường tiểu ngạch khoảng hơn 20.000 đồng/kg (giá vận chuyển) nhưng giờ phải chở tôm bằng máy bay sang Trung Quốc nên giá vận chuyển tăng hơn 300.000 đồng/kg. Do đó, thương lái buộc mua thấp tại bè người dân để bù lỗ cho chi phí này", một lái tôm cho biết.

Một nguyên nhân khác cũng được "lái" này cho biết là do Trung Quốc cũng bùng phát dịch trở lại nên ảnh hưởng đến việc tiêu thụ tôm hùm trong giai đoạn trước Tết Trung Thu.

Tuy nhiên, người nuôi tôm hùm cho biết, do giai đoạn này là vụ chính cộng với việc giá mồi tăng cao nhiều hộ khó lòng duy trì nên các "lái" ép giá.

Giá mồi tăng gấp 3 lần, khả năng thua lỗ là rất cao

Ngược với giá tôm hùm đang trên đà giảm sâu, giá mồi nuôi tăng mạnh khiến người nuôi tôm lại càng khó khăn.

"Tôm hùm mà bỏ đói là nó ăn nhau, nhất là những con đang trong quá trình lột xác để tăng kích thước. Để duy trì, chúng tôi buộc cắt giảm khẩu phần để chờ giá tôm lên và giá mồi giảm nhưng vẫn phát sinh hơn triệu đồng/ngày", ông Sơn cho hay.

Nếu hộ ông Sơn mỗi ngày tiền mồi phát sinh hơn một triệu đồng từ khi chính quyền áp dụng các biện pháp giãn cách từ đầu tháng 7 thì hộ ông Nguyễn Tường Vinh có 20 bè nuôi tôm hùm với hơn 100 lồng tôm tại khu vực Tu Bông huyện Vạn Ninh phát sinh hơn 10 triệu đồng/ngày so với trước dịch.

Ảnh hưởng COVID-19 tôm hùm trên vịnh Vân Phong giảm hơn 1 triệu đồng/kg  - Ảnh 3.

Từ 0h ngày 25/8, huyện Vạn Ninh tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16 trong 14 ngày tới. Tính từ ngày 23/6 đến sáng 25, huyện Vạn Ninh ghi nhận 280 ca COVID-19.

Ông Vinh cho biết, trước khi dịch bùng phát, do người dân đi lại, đánh bắt thoải mái nên giá mồi (các loại sò, óc, cua, hàu...) chỉ từ vài nghìn đồng đến dưới 30.000 đồng/kg tùy loại. Nhưng khi giãn cách, người dân không được ra khỏi nhà, đi đánh bắt và đi giao mồi cũng hạn chế nên giá mồi đã tăng 2-3 lần.

"Với hơn 100 lồng tôm mỗi ngày tôi cần gần một tấn mồi. Trước dịch, lái giao mồi đến tận nơi nhưng giờ không còn ai giao hàng vì vậy tôi phải xoay sở nhiều nguồn để đủ thực phẩm cho tôm. Nếu dịch và giãn cách kéo dài giá mồi cho tôm hùm có thể tăng tiếp, nguy cơ thiệt hại của người dân là rất cao", ông Vinh chia sẻ.

Hội Nông dân huyện Vạn Ninh cũng cho biết, thời gian qua, vùng nuôi Vạn Ninh và Phú Yên xuất hiện tôm giống Indonesia (dưới 100.000 đồng/con) có giá chỉ bằng 1/3 con giống truyền thống (375.000 đồng/con) nên nhiều hộ nuôi xuống giống mạnh.

Các hộ nuôi trước đây chỉ vài trăm con giống nay xuống đến vài nghìn con khiến vùng nuôi tôm hùm tại vịnh Vân Phong tăng mạnh.

Số con giống người dân xuống vào giai đoạn tháng 4-5 âm lịch nay đã có size từ hơn 100g nên bắt đầu ăn mạnh. Do đó, giá mồi nuôi tôm hùm có thể tiếp tục tăng khi số tôm nói trên phát triển.

Ảnh hưởng COVID-19 tôm hùm trên vịnh Vân Phong giảm hơn 1 triệu đồng/kg  - Ảnh 4.

Giá mồi nuôi tôm hùm có thể tiếp tục tăng khi lượng con giống thả hồi tháng 4-5 âm lịch nay đã lớn. (Ảnh: Khải An).

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với người viết, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vạn Ninh cho biết, tôm hùm, ốc hương là hai mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính sang Trung Quốc nhưng đang gặp khó do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Theo ông Minh, giá tôm hùm bông, tôm thẻ và ốc hương trên địa bàn huyện Vạn Ninh có giảm nhất là mặt hàng xuất khẩu. Đặc biệt là ốc hương gần như không có thương lái thu mua khi dịch bùng phát mạnh.

"Đa số người nuôi trồng thủy sản đều vay ngân hàng, do ảnh hưởng dịch bệnh Hội Nông dân đã có công văn gửi các cấp đề nghị hỗ trợ nuôi trồng thủy sản về việc giãn nợ, khoanh nợ… Tuy nhiên, nhìn chung, mùa vụ năm nay sẽ rất có khăn với các hộ nuôi trồng thủy sản, khả năng lỗ là rất cao do đầu ra giảm nhưng giá mồi tăng cao", ông Minh cho hay.

Khải An