|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá tiêu vẫn sẽ tăng cao thời gian tới?

08:08 | 10/03/2024
Chia sẻ
Nguồn cung dự báo thiếu hụt trong tương lai. Ngoài ra, hiện tượng El Nino, La Nina và bất ổn địa chính trị càng làm trầm trọng thêm tình trạng.

Tại hội nghị quốc tế ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam - VIPO 2024 tổ chức ngày 8-10/3, ông Jasvinder Singh Sethi CEO và Founder của Công ty Namagro Việt Nam cho biết nhu cầu tiêu thụ tiêu toàn cầu khoảng 600.000 – 700.000 tấn.  

Nhu cầu này được đáp ứng thông qua nhập khẩu và tự trồng trong nước. Châu Á nơi tiêu thụ nhiều hồ tiêu nhất thế giới với 400.000 tấn, trong đó một nửa nhập khẩu, một nửa tự sản xuất. Châu Mỹ tiêu thụ 110.000 tấn, trong đó nhập từ nước khác đến 90.000 tấn, còn châu Âu hầu như nhập khẩu.  

Về nguồn cung, ông dẫn dự báo từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho biết sản lượng hồ tiêu toàn thế giới sẽ giảm khoảng 2% trong năm 2024.

Không nằm ngoài xu hướng, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam có thể giảm xuống khoảng 170.000 tấn, tuy nhiên xuất khẩu vẫn có thể đạt khoảng 240.000 tấn. Sản lượng của Brazil sẽ giảm mạnh hơn do các vấn đề liên quan biến đổi khí hậu. 

Theo CEO Namagro Việt Nam, hai yếu tố quan trọng để đánh giá sản lượng là năng suất và diện tích thu hoạch.

Năng suất phụ thuộc vào thời tiết và động lực của chính người nông dân. Nếu nông dân tin rằng việc trồng tiêu đem lại lợi nhuận lớn, họ sẽ bỏ công chăm sóc và cải thiện năng suất. Tuy nhiên, giá cả ở mức thấp những năm gần đây cùng với chi phí đầu vào đắt đỏ, dẫn đến nông dân không có nhiều động lực để kiên trì theo đuổi hồ tiêu.            

Ở Việt Nam, từ năm 2017 không xuất hiện vùng trồng mới, bên cạnh đó còn có tình trạng một số khu vực, nông dân chuyển sang trồng loại cây khác.  

Tất cả những điều này sẽ gây ra thiếu hụt nguồn cung trong tương lai. Ngoài ra, hiện tượng El Nino, La Nina và bất ổn địa chính trị càng làm trầm trọng thêm tình trạng.  

Đối với thị trường hồ tiêu, ông Jasvinder Singh Sethi cũng lưu ý không chỉ đơn giản đánh giá cung - cầu, mà cần nhận định xung đột địa chính trị của một khu vực có ảnh hưởng đến cung cầu của khu vực đó và vùng lân cận hay không.

Về giá cả, qua tổng hợp số liệu, ông quan sát thấy có quy luật lặp lại ba lần trong 50 năm qua, là mỗi khi cầu lớn hơn cung, giá cả cũng tăng vọt theo, ngược lại khi cung lớn hơn cầu, giá sẽ giảm xuống và duy trì ở vùng đáy.  

Giá tiêu hiện vẫn ổn định và có thể có khả năng tăng thời gian tới. Nguồn cung vẫn chưa thể đáp ứng đủ cầu.

"Không giống như nghệ hay gừng, giá cả tăng lên mỗi năm, các trang trại trồng nhiều hơn và năm sau giá lại giảm, hồ tiêu cần 3 - 4 năm nữa mới đảm bảo được nguồn cung do tình trạng thiếu diện tích trồng đã xuất hiện từ ba năm trước. Các vùng trồng hiện tại cũng phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu song nhu cầu dài hạn về tiêu vẫn rất mạnh”, ông nói.

 

Giá tiêu ở thị trường nội địa đang tiếp tục xu hướng tăng trong những tháng đầu năm. Chỉ trong vòng 3 tháng (kể từ tháng 12/2023), giá tiêu đã tăng tới 30%. Tính tới cuối tháng 2, giá hạt tiêu đen tăng 10.000 – 11.000 đồng/kg so với cuối tháng 1 lên mức 91.000 – 94.000 đồng/kg. Ngưỡng cao nhất ghi nhận trong tháng 3 là 96.000 đồng/kg.   

Theo một số doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành hồ tiêu, thời gian qua giá tiêu ở nhiều quốc gia như Brazil, Indonesia thường xuyên cao hơn Việt Nam, thậm chí có thời điểm Indonesia không có hồ tiêu để xuất khẩu.

Thực tế thời điểm này chỉ có Việt Nam đang thu hoạch nhiều. Giá thế giới cao hơn trong nước, thêm tâm lý sợ thiếu hàng và tăng giá nên nhiều doanh nghiệp chủ động tăng lượng mua vào, đẩy giá hồ tiêu tăng nóng.

Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), Việt Nam cung cấp khoảng 50% sản lượng hồ tiêu toàn cầu, nhưng do diện tích suy giảm mạnh, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam trong năm 2024 có thể sẽ ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.                   

Anh Đào