Giá tiêu hôm nay 8/1: Đi ngang trong suốt tuần qua
Cập nhật giá tiêu trong nước
Xem thêm: Giá tiêu hôm nay 9/1
Giá tiêu tuần này có xu hướng đi ngang. So với đầu tuần, giá thu mua tại các tỉnh trọng điểm không có biến động mới.
Theo khảo sát, mức giá thấp nhất hiện 57.500 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Gia Lai. Kế đó là tỉnh Đồng Nai với mức 58.000 đồng/kg.
Hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông duy trì giao dịch hồ tiêu với cùng mức giá 58.500 đồng/kg.
Tương tự, giá hồ tiêu tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng ổn định tại mức tương ứng là 59.000 đồng/kg và 60.000 đồng/kg.
Cập nhật thông tin hồ tiêu
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), trong suốt 50 năm hình thành và phát triển của IPC, diện tích hồ tiêu trên thế giới biến động theo xu hướng tăng với mức tăng 33% trong giai đoạn năm 1972-2021.
Trong đó, diện tích cao nhất ở mức trung bình 524.915 ha trong giai đoạn 2012-2021 và thấp nhất là 394.720 ha trong giai đoạn 1972-1981.
Trong 50 năm qua, diện tích trồng tiêu thế giới chỉ giảm duy nhất trong thập kỷ thứ ba (1992-2001) với mức giảm 19% so với thập kỷ thứ hai, ở mức 417.497 ha.
Cũng theo IPC, trong 5 thập kỷ qua sản lượng hồ tiêu thế giới đã tăng đáng kể 86% khi so sánh mức trung bình của thập kỷ đầu tiên kể từ năm 1972 và thập kỷ cuối cùng vào năm 2021, đạt trung bình 324.131 tấn.
Sản lượng hồ tiêu thế giới đạt cao nhất vào giai đoạn 2012-2021 với trung bình 466.346 tấn, bao gồm sản lượng từ các quốc gia IPC chiếm khoảng 75% (tương ứng 350.402 tấn) và các nước sản xuất hồ tiêu khác khoảng 25% (115.944 tấn).
Trong giai đoạn này, sản lượng tăng cao là do kết quả của việc mở rộng diện tích trồng tiêu sau khi giá đạt đỉnh trong năm 2015-2016. Trong khi đó, sản lượng thấp nhất được báo cáo ở mức trung bình 216.060 tấn trong giai đoạn 1992-2001.
Tiêu thụ trong nước của các quốc gia sản xuất hồ tiêu vào năm 2021theo ước tính của IPC đạt 215.654 tấn, tăng 3% so với năm trước đó.
Trong số các nước sản xuất, Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ trong nước cao nhất với 35% và 30% thị phần trong tổng lượng tiêu thụ của các nước sản xuất vào năm 2021.
Mức tiêu thụ cao từ hai quốc gia này một phần là do quy mô dân số cũng như vai trò quan trọng của hồ tiêu đối với ẩm thực của mỗi nước.
Hồ tiêu được sử dụng cả trong công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và nước hoa. Ở các nước phát triển, phần lớn được tiêu thụ bởi ngành công nghiệp thực phẩm trong khi phần còn lại dành cho thị trường bán lẻ và thị trường dịch vụ ăn uống.
Nhu cầu hồ tiêu toàn cầu giai đoạn 1977-2021 (45 năm qua) đã ghi nhận mức tăng 180% khi so sánh năm 1977 với năm 2021, lên mức 286.240 tấn vào năm 2021.
Các nước phát triển tiếp tục là những người tiêu dùng hồ tiêu chính trên thế giới, với mức tăng trưởng 3%/năm trong giai đoạn 2017-2021, tương ứng với sự gia tăng khối lượng tiêu nhập khẩu từ năm 2018-2021 là 2%, 6% và 7%.