|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá tiêu có thể hạ nhiệt trong quý II/2021?

09:59 | 03/04/2021
Chia sẻ
Giá tiêu tăng mạnh trong tháng 3/2021 dù nhu cầu ít biến động, thị trường được cho là sẽ hạ nhiệt dần trong quý II khi nguồn cung từ vụ thu hoạch mới được đưa vào tiêu thụ.

Từ đầu tháng 3 đến nay, thị trường hạt tiêu trong nước có sự biến động mạnh về giá. Chỉ tính từ ngày 1/3 đến ngày 19/3, giá hạt tiêu trong nước đã tăng 42 – 44% (tương đương 22.000 – 24.000 đồng/kg), từ 53.500 – 55.500 đồng/kg lên mức 76.000 – 79.000 đ/kg.

Sau đó, giá hạt tiêu có sự điều chỉnh giảm và dao động trong biên độ hẹp kể từ ngày 26/3 đến nay. 

Theo đó, tính đến ngày 2/2 giá hạt tiêu tại nhiều tỉnh, thành dao động ở mức 70.000 – 74.500 đồng/kg, giảm 4.000 – 6.000 đ/kg so với ngày 19/3, nhưng vẫn cao hơn 17.000 – 20.000 đ/kg so với đầu tháng 1 năm nay và tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. 

Cụ thể, giá hạt tiêu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang ở mức cao nhất với 74.500 đồng/kg; tiếp theo là Bình Phước đạt 73.500 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, hạt tiêu được thu mua với giá 73.000 đồng/kg; giá tiêu tại Đồng Nai và Gia Lai ở mức 70.000 đồng/kg.

Giá hạt tiêu có thể hạ nhiệt trong quý II/2021 - Ảnh 1.

Nguồn: tintaynguyen.com. Biểu đồ: Ngọc Bảo

Trên thị trường thế giới, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tại các nước sản xuất chính cũng tăng khá trong tháng 3 và đang ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Cụ thể, tại Brazil, ngày 31/3 giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng mạnh 1.200 USD/tấn, tương ứng tăng 42,9% so với đầu tháng 3 lên mức 4.000 USD/tấn.

Tại Ấn Độ, giá hạt tiêu đen tại cảng Kochi tăng 430 USD/tấn (tăng 8,8%) so với đầu tháng 3 lên mức 5.342 USD/tấn. Ở Indonesia giá hạt tiêu đen xuất khẩu cũng tăng 730 USD/tấn (tăng 25,7%) lên mức 3.570 USD/tấn.

Tại cảng Kuching của Malaysia, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 375 USD/tấn (tăng 9,7%), đạt 4.225 USD/tấn.

Giá hạt tiêu có thể hạ nhiệt trong quý II/2021 - Ảnh 3.

Nguồn: ipcnet.org. Biểu đồ: Ngọc Bảo

Tại các cảng khu vực TP HCM của Việt Nam giá hạt tiêu đen cũng tăng 400 - 440 USD/tấn (tương đương mức tăng 12,3 – 13,9%) so với đầu tháng 3, lên mức 3.595 – 3.635 USD/tấn…. Giá tiêu trắng trên thị trường quốc tế cũng tăng từ 6% - 11% trong tháng 3.

Dự báo trái chiều về nguồn cung

Một số thông tin cho rằng giá hạt tiêu tăng mạnh trong thời gian gần đây là do nhu cầu thế giới tăng cao và sản lượng tiêu toàn cầu, trong đó có Việt Nam sụt giảm.

Tuy vậy, vụ thu hoạch hạt tiêu trong nước dự kiến kết thúc vào cuối tháng 4, nhưng đến nay những đánh giá về sản lượng tiêu năm nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. 

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho rằng, sản lượng tiêu năm 2021 có thể giảm 25-30% so với năm 2020. 

Tuy nhiên, theo số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê, sản lượng hồ tiêu thu hoạch trong quý I/2021 đạt 200 nghìn tấn, chỉ giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong quý I/2021 đạt 60.000 tấn, trị giá 174 triệu USD, giảm 25% về lượng và giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù giảm về lượng nhưng hạt tiêu là mặt hàng giá xuất khẩu tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu, tăng 31,5% so so với quý I/2020, đạt bình quân 2.879 USD/tấn.

Trước diễn biến bất thường của thị trường hạt tiêu, vào giữa tháng 3, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) đưa ra khuyến cáo mặc dù sản lượng tiêu ở Việt Nam và các nước trên thế giới được dự báo giảm do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhưng mức giảm không tương xứng với tốc độ tăng giá.

Nhìn chung nguồn cung vẫn cao hơn so với nhu cầu. Nhu cầu hồ tiêu của thế giới hiện nay khoảng 500.000 tấn trong khi đó nguồn cung năm 2021 cộng thêm tồn kho của những năm trước khoảng 600.000 tấn. 

Vì vậy, việc tăng giá quá nhanh trong nước là do yếu tố đầu cơ. Điều này ẩn chứa rủi ro cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp xuất khẩu tiêu vì biến động thất thường.

Từ những dữ liệu trên, có thể nhận thấy đà tăng giá hạt tiêu trong thời gian gần đây không thực sự bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Nhất là trong thời điểm Việt Nam và các nước sản xuất hạt tiêu khác đang trong vụ thu hoạch. Do đó, các đơn vị kinh doanh hạt tiêu cần thận trọng trước diễn biến này.

Mặc dù nhu cầu từ thị trường tiêu đang cải thiện tích cực sau đại dịch COVID-19, nhưng với việc nguồn cung được dự báo tiếp tục vượt nhu cầu trong năm 2021 và hạt tiêu từ vụ thu hoạch mới của Việt Nam được đưa ra thị trường nhiều hơn trong thời gian tới, giá hạt tiêu được cho là sẽ hạ nhiệt trở lại trong quý II/2021.

Giá hạt tiêu có thể hạ nhiệt trong quý II/2021 - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Biểu đồ: Ngọc Bảo

Theo Báo Chính phủ, nhu cầu cả thế giới hiện ở mức 510.000 tấn hồ tiêu/năm và bình quân mỗi năm chỉ tăng 2-3%, trong khi sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng 8-10%. 

Sản lượng hồ tiêu toàn cầu đạt hơn 660.000 tấn năm 2020, dự báo sẽ tăng lên 1 triệu tấn đến năm 2050, và nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung.

Do vậy, VPA cũng ra khuyến cáo giá tiêu có thể vẫn còn bấp bênh trong nhiều năm nữa.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Tấn Hiên, Phó Chủ tịch VPA cho rằng nhìn chung cung vẫn cao hơn so với nhu cầu. Nhu cầu hồ tiêu của thế giới hiện nay khoảng 500.000 tấn trong khi đó nguồn cung năm 2021 cộng thêm tồn kho của những năm trước khoảng 600.000 tấn.

Đơn hàng như mọi năm, thậm chí có lúc ít hơn năm ngoái vì một số khách hàng vẫn còn tồn kho.


Ngọc Bảo