|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá thịt heo biến động trái chiều ở Hà Nội và TP HCM, phố lớn và tỉnh lẻ

16:28 | 05/10/2021
Chia sẻ
Giá heo hơi chạm đáy 2 năm, chỉ còn 38.000 – 47.000 đồng/kg song giá thịt heo ở các địa phương đang diễn biến trái chiều. Theo đó, TP HCM vẫn cao còn Hà Nội bắt đầu hạ nhiệt. Thậm chí, giá thịt heo ở các tỉnh lân cận Hà Nội càng rẻ hơn.

Giá thịt heo ở Hà Nội, TP HCM biến động trái nhiều

Vào tháng 7, khi TP HCM và Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, giá heo dao động ở mức 55.000 – 60.000 đồng/kg, giảm 20 – 30% so với đầu năm nhưng người dân vẫn phải mua giá heo với giá đắt đỏ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, những ngày qua, giá heo hơi trên cả nước liên tục giảm sâu và chạm đáy 2 năm.

Theo khảo sát ngày 5/10, giá heo hơi 3 miền dao động 38.000 – 47.000 đồng/kg, giảm 40 – 50% so với tháng 1. Tuy nhiên, giá thịt heo đến tay người tiêu dùng vẫn đang ở mức cao, đặc biệt là TP HCM.

Trao đổi với người viết, chị Huỳnh Thị Ngọc Như, người dân ở Quận Gò Vấp, TP HCM cho biết: "Hiện, nhiều chợ, siêu thị ở TP HCM đã hoạt động trở lại, việc mua thịt không còn khó khăn nhưng giá thịt heo vẫn ở mức cao 130.000 – 160.000 đồng/kg, không thay đổi nhiều so với thời điểm TP mới giãn cách.

Có lúc, gia đình tôi phải thay thế bằng nguồn protein khác như cá, gà, vịt để cân đối chi tiêu", chị Như nói.

Gần đây, cả hai TP lớn đều nới lỏng giãn cách nhưng giá thịt heo ở TP HCM vẫn neo ở mức cao dao động ở mức 130.000 – 160.000 đồng/kg. Trong khi tại Hà Nội giá thịt heo chỉ còn 80.000 – 120.000 đồng/kg, giảm 30.000 – 40.000 đồng/kg so với tháng 7.

Giá thịt heo biến động trái chiều ở Hà Nội và TP HCM, phố lớn và tỉnh lẻ - Ảnh 1.

Giá heo hơi giảm nhưng giá thịt heo ở TP HCM vẫn cao (Ảnh minh họa: Báo Người Lao động)

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết nhu cầu tiêu thụ thịt heo ở Hà Nội và TP HCM đều giảm mạnh nhưng điểm khác biệt là Hà Nội có thể tự chủ 80 – 90% thịt heo trong khi TP HCM chỉ tự túc được 5 – 10%, còn lại phải nhập thịt heo ở các tỉnh lân cận.

Trong khi, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở TP HCM và tỉnh ĐBSCL, việc vận chuyển khó khăn nên chênh lệch giữa giá xuất chuồng - giá bán lẻ và giá thịt heo ở các địa phương.

Đơn cử như việc tỉnh Kiên Giang, An Giang không chấp nhận mẫu PCR giữa các tỉnh dù vẫn còn hiệu lực, lái xe phải test mẫu mới trong khi tỉnh Hậu Giang bắt hàng phải sang xe. Tất cả những yếu tố này làm tăng chi phí sản xuất, khiến giá thịt heo đến tay người tiêu dùng vẫn cao.   

Chênh lệch giữa phố lớn và tỉnh lẻ

Giá thịt heo không chỉ phân hóa ở 2 miền Nam – Bắc mà ngay cả những tỉnh lân cận cũng có sự chênh lệch lớn.

Cụ thể, giá thịt heo tại Hà Nội chỉ còn 80.000 – 120.000 đồng/kg trong khi các tỉnh lân cận như Hà Nam, Thái Bình, giá thịt heo giảm sâu xuống mức 65.000 - 80.000 đồng/kg, thấp hơn 15.000 - 40.000 đồng/kg.

Anh Trần Vương, tiểu thương tại chợ 337 Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết khi Hà Nội bắt đầu giãn cách, giá thịt heo cao ở mức 120.000 – 160.000 đồng/kg bởi có một số lò mổ giảm công suất hoặc không được hoạt động, các chợ truyền thống cũng hạn chế người bán. Do đó, người bán ít, hàng ít thì giá tăng là lẽ đương nhiên.

"Đến nay, giá thịt heo ở Hà Nội cũng hạ nhiệt nhưng vẫn cao hơn ở các tỉnh lân cận khoảng 20.000 – 40.000 đồng/kg bởi ở tỉnh lẻ các tiểu thương mua bán trực tiếp với nông dân, chủ động giết mổ và bán lẻ nên giảm được các khâu lưu thông", ông Vương nói.

Bên cạnh đó, ở các tỉnh lân cận chủ động về nguyên liệu nên giá thịt heo cũng rẻ hơn so với các thành phố lớn trong khi tiểu thương ở Hà Nội phải qua nhiều khâu môi giới bán heo, vận chuyển đến lò mổ, chi phí giết mổ… nên giá cao hơn.

Giá thịt heo biến động trái chiều ở Hà Nội và TP HCM, phố lớn và tỉnh lẻ - Ảnh 2.

Tiểu thương bán thịt tại chợ 337 Dịch Vọng ngán ngẩm chờ khách mua số thịt ế. (Ảnh: Hoàng Anh)

Theo người này, giá thịt heo giảm sâu vì nhu cầu tiêu thụ của người dân, quán ăn, bếp ăn tập thể… đang ở mức rất thấp.

"Ở thời điểm này, tiểu thương cứ nhìn thấy heo to là sợ vì không bán hết. Gần đây, tôi chỉ dám lấy heo móc hàm khoảng 70 – 80 kg nhưng chẳng ngày nào bán hết, vẫn ế 10 – 20 kg.

Gần 20 h nhưng bàn thịt nào trong chợ cũng còn khá nhiều, thịt ế cũng không biết bán ở đâu, đại hạ giá 40.000 – 50.000 đồng/kg cũng không có người mua. Tất cả do yếu tố cung – cầu, ở thời điểm nhu cầu cao, heo quá lứa vẫn bán tốt", ông Vương nói.

Theo tiểu thương này, giá heo mua tại các lò mổ đang ở mức 60.000 đồng/kg nhưng hàng hóa ế ẩm, giá cao bù giá thấp cũng chỉ được trung bình 70.000 – 80.000 đồng/kg, người bán gần như không có lãi.

Chia sẻ về điều này, chị Trần Thị Thùy, một tiểu thương ở tỉnh Nam Định cho biết nhờ việc chủ động thu mua heo của nông dân, giết mổ và bán lẻ nên mỗi ngày vẫn bán được đều đặn 2 con heo và thu lãi 2 triệu đồng.

"Thời gian, giá heo ở Nam Định đang giảm xuống còn 35.000 – 45.000 đồng/kg, nhiều, các chủ hộ trực tiếp giết mổ và bán nên thị trường cũng cạnh tranh hơn. Chúng tôi không thể bán giá thịt cao như trước", chị Thùy nói.

Hoàng Anh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.