VNDirect: Giá thép đã hạ nhiệt nhưng HPG, HSG, NKG vẫn còn tiềm năng đầu tư
Những gián đoạn sản xuất do đại dịch COVID-19 gây ra đã làm hạn chế nguồn cung thép thế giới trong năm 2020. Sản lượng thép toàn cầu đã giảm 16 triệu tấn, tương đương 0,9%, so năm 2019. Liên tiếp trong 4 năm trước đại dịch, sản lượng thép đều tăng trưởng, Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) cho hay.
Giá thép thế giới đã tăng 93% kể từ mức đáy trong tháng 3/2020. Sau khi đạt đỉnh vào giữa tháng 5/2021, giá thép đã giảm xuống mức 800 USD/tấn trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện các chính sách hạ nhiệt giá hàng hóa.
Tuy nhiên, giá thép trung bình 6 tháng đầu năm 2021 vẫn cao hơn 43% so với cùng kỳ năm ngoái, theo ước tính của Chứng khoán VNDirect.
Cổ phiếu thép còn tiềm năng tăng trưởng khi giá thép hạ nhiệt
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng tiêu thụ thép trong 5 tháng đầu 2021 đạt xấp xỉ 12 triệu tấn, tăng 38,2% so với mức thấp trong cùng kỳ 2020.
Nhờ nhu cầu thép thế giới tăng mạnh những tháng đầu năm nay, thị trường xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính với sản lượng 2,8 triệu tấn, tăng 80% so với 5 tháng đầu 2020.
Trong đó, xuất khẩu tôn mạ đạt gần 1,2 triệu tấn, tăng 132%; xuất khẩu thép xây dựng gần 700.000 tấn, tăng 29%.
VNDirect cho rằng các công ty thép hàng đầu với lợi thế sản xuất theo quy mô lớn và hệ thống phân phối rộng khắp đã tận dụng đà phục hồi của thị trường để giành thêm thị phần.
Cụ thể, nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã gia tăng thị phần thép xây dựng từ mức 32,5% của năm 2020 lên 34,5% trong 5 tháng đầu 2021. Trong khi đó, công ty dẫn đầu mảng tôn mạ là Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) cũng gia tăng thị phần từ 33,4% lên 36,2%.
VNDirect duy trì nhận định giá quặng sắt sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong 1-2 năm tới do (1) nhu cầu thép toàn cầu mạnh mẽ và (2) hoạt động xuất khẩu của các nhà sản xuất quặng sắt lớn vẫn sẽ ở mức thấp với kế hoạch sản xuất hạn chế.
Giá thép xây dựng nội địa được dự báo sẽ đạt trung bình 14,8 triệu đồng/tấn trong năm 2021, tăng 32% so với năm ngoái. Sang năm 2022, giá thép trung bình có thể sẽ giảm xuống còn 13,8 triệu đồng/tấn.
"Giá thép kỳ vọng giảm sẽ gây áp lực đáng kể lên biên lợi nhuận gộp (LNG) của các công ty thép trong nửa cuối năm 2021 khi hàng tồn kho giá rẻ được tiêu thụ hết", VNDirect cho hay. Đặc biệt, mức ảnh hưởng sẽ rất lớn đối với các công ty thương mại thép.
Tuy nhiên, VNDirect cho rằng đà tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các công ty thép hàng đầu (Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim) sẽ còn tiếp tục, ít nhất là đến hết quý III/2021 nhờ các hợp đồng giao hàng trong 3-4 tháng tới đã được ký kết với khách hàng.
Tăng trưởng kép sản lượng tiêu thụ thép xây dựng có khả năng sẽ đạt 12%/năm trong giai đoạn 2021-22, so với mức 14,9% trong giai đoạn 2012 – 2019.
Các nhân tố hỗ trợ tăng trưởng tiêu thụ thép thời gian tới là: (1) tăng tốc phát triển hạ tầng trong nửa sau 2021-2022 nhờ vào việc đẩy mạnh đầu tư công và (2) thị trường bất động sản nhà ở sẽ nóng trở lại trong năm 2021 do lãi suất giảm và nguồn cung mới mở bán cao hơn.
Trong khi đó, VNDirect kỳ vọng sản lượng tiêu thụ tôn mạ sẽ tăng trưởng kép 16% trong giai đoạn 2021-22 nhờ việc: (1) làn sóng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam của các doanh nghiệp FDI và (2) sản lượng xuất khẩu cao hơn do nhu cầu thép thế giới mạnh mẽ.
Theo đà tăng của giá cổ phiếu gần đây, định giá của các cổ phiếu thép đang ở mức cao nhất kể từ khi niêm yết, P/E của HPG, HSG và NKG đều cao so với trung bình lịch sử.
Tuy nhiên, VNDirect tin rằng giá cổ phiếu các công ty thép vẫn còn tiềm năng tăng trưởng nhờ dự báo ngành đang ở trong chu kỳ tăng trưởng tốt nhất trong một thập kỷ qua và quy mô sản xuất hàng đầu của các công ty thép Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á.
HPG mở rộng chuỗi giá trị
VNDirect đánh giá Tập đoàn Hòa Phát đang sở hữu nhiều ưu thế cho phép công ty nắm bắt được tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng trong nước thời gian tới như:
(1) Lợi thế sản xuất quy mô lớn và năng lực vận hành đã được chứng minh, và
(2) Liên tục mở rộng công suất và đa dạng hóa sản phẩm đầu ra thông qua việc xây dựng Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 1 và đang có kế hoạch đầu tư dự án Dung Quất 2 (công suất 5,6 triệu tấn thép thô mỗi năm).
Nhờ chuỗi giá trị ngành hoàn thiện, Hòa Phát có thể sẽ là một trong số ít các công ty có thể duy trì biên lãi gộp cao trong nửa sau 2021 và năm 2022
VNDirect dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng năm 2021 của Hòa Phát sẽ lần lượt đạt 156.503 tỷ đồng và 29.740 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 74% và 121% so với năm ngoái.
Trong một báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát trong năm nay là 34.000 tỷ đồng. Các ước tính này đều cao hơn đáng kể so với kế hoạch lãi 18.000 tỷ mà đại hội cổ đông của Hòa Phát đề ra.
Riêng trong quý I, tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long đã ghi nhận lãi ròng 7.000 tỷ đồng.
Theo VNDirect, động lực giúp Hòa Phát đạt được kết quả kinh doanh khả quan là: (1) sản lượng tiêu thụ thép tăng 32,3% và (2) bình quân giá bán thép tăng 35,0%. Việc Hòa Phát hoàn thành việc mua hai tàu biển chở hàng rời cỡ lớn và một mỏ quặng sắt tại Australia cũng là các tín hiệu khả quan.
HSG và NKG dẫn đầu mảng tôn mạ
Ở mảng tôn mạ, Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) và Thép Nam Kim (Mã: NKG) là hai doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất, tỷ trọng sản lượng xuất khẩu trên tổng tiêu thụ cũng rất cao.
VNDirect cho rằng Hoa sen và Nam Kim sẽ được hưởng lợi chính từ nhu cầu tôn mạ mạnh mẽ của thế giới trong nửa sau năm nay và cả năm 2022. Ngoài ra, tình hình tài chính và năng lực vận hành của hai doanh nghiệp này cũng được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, VNDirect cũng lưu ý rằng mức chênh lệch giữa giá nguyên liệu thép cuộn cán nóng (HRC) đầu vào và giá đầu ra (tôn mạ) của Hoa Sen, Nam Kim thấp hơn nhiều so với quặng sắt và thép thành phẩm.
Điều này có nghĩa là rủi ro biên lợi nhuận gộp giảm của các công ty tôn mạ là khá lớn khi hàng tồn kho HRC giá rẻ được tiêu thụ hết hoặc giá thành phẩm giảm. Do đó, biên lãi gộp của hai công ty được dự báo sẽ giảm trong nửa cuối năm 2021 từ mức cao trong 6 tháng đầu năm.
VNDirect dự phóng doanh thu và lợi nhuận ròng của Hoa Sen năm 2021 sẽ tăng trưởng lần lượt 54,9% và 184,2% so với năm trước, lên mức 45.515 tỷ đồng và 4.306 tỷ đồng.
Các động lực chính bao gồm: (1) sản lượng tiêu thụ thép tăng 33,4%; (2) giá bán thép bình quân tăng 20% và (3) chi phí lãi vay giảm 31%.
Sự phục hồi mạnh mẽ của giá thép thời gian gần đây sẽ tạo cơ sở cho mức lợi nhuận cao của Hoa Sen năm 2021, dẫn đến việc lợi nhuận ròng năm 2022 dự báo giảm 35,4% xuống 2.834 tỷ đồng, VNDirect dự báo.
Tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ cho biết lợi nhuận sau thuế của riêng tháng 5 vừa qua đạt 602 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng đầu niên độ tài chính, Hoa Sen ghi nhận lãi ròng 2.810 tỷ đồng, vượt 87% kế hoạch cả niên độ.
Doanh thu của Nam Kim năm 2021 được dự báo sẽ tăng 67,8% so với năm ngoái lên 19.395 tỷ đồng, nhờ việc (1) sản lượng tiêu thụ thép tăng 27,8% và (2) bình quân giá bán thép tăng 27%.
Biên lãi gộp năm 2021 sẽ tăng lên mức 13,6% từ mức chỉ 7,5% của năm 2020, phản ánh việc tích trữ hàng tồn kho nguyên vật liệu đầu vào thấp hơn tại thời điểm đầu năm và công ty đã quản lý chi phí tốt hơn sau tái cơ cấu.
VNDirect cho rằng lợi nhuận ròng của Nam Kim sẽ tăng 381% lên 1.420 tỷ đồng trong năm 2021. Trong năm 2022, lợi nhuận ròng có thể sẽ giảm về còn 850 tỷ đồng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/