Hòa Phát, Formosa đứng thứ mấy thế giới về sản lượng thép?
Hiệp hội Thép Thế Giới (WSA) mới đây công bố danh sách các doanh nghiệp hội viên có sản lượng thép thô lớn nhất năm 2020. Tổng 50 doanh nghiệp đầu bảng cho ra lò 1,1 tỷ tấn, chiếm 58,5% tổng lượng thép toàn cầu.
Ngôi quán quân thuộc về tập đoàn China Baowu của Trung Quốc với sản lượng 115,3 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2019 và chiếm 11% công suất của toàn đất nước tỷ dân. Đứng số 2 là đại gia ArcelorMittal có trụ sở ở Luxembourg với sản lượng 78,5 triệu tấn, giảm 19%.
Thống kê của WSA cho thấy có 107 doanh nghiệp có sản lượng thép thô đạt trên 3 triệu tấn trong năm 2020. Tuy nhiên, do danh sách này chỉ bao gồm các thành viên của WSA nên một số doanh nghiệp Việt Nam chưa gia nhập hiệp hội đã không có tên.
Trong năm ngoái, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) và Formosa Hà Tĩnh đều cho ra lò khoảng 5,8 triệu tấn thép thô, tương đương với vị trí số 62 trong danh sách các nhà sản xuất thép lớn nhất của WSA.
Sang năm 2021, Formosa đặt mục tiêu sản xuất 6,5 triệu tấn còn Hòa Phát phấn đấu đạt 8 triệu tấn.
Sản lượng tăng thêm của Hòa Phát đến từ việc đưa lò cao số 4 vào vận hành kể từ tháng 1/2021, lò cao số 2 và số 3 cũng hoạt động hết công suất ngay từ đầu năm. Ngoài 4 lò cao ở Dung Quất, Hòa Phát còn có hai lò cao ở Hải Dương và một lò hồ quang điện ở Hưng Yên.
Giả sử Formosa và Hòa Phát đạt được mục tiêu đặt ra, còn sản lượng của các doanh nghiệp trong danh sách WSA năm 2021 không đổi so với 2020 thì Formosa sẽ đứng ở vị trí thứ 59 còn Hòa Phát sẽ xếp số 51.
Các doanh nghiệp có sản lượng ngay trên mức mục tiêu của Hòa Phát là Jinxi Steel của Trung Quốc (8,01 triệu tấn, đứng thứ 50), Steel Dynamics của Mỹ (8,4 triệu tấn, thứ 49), Erdemir Group của Thổ Nhĩ Kỳ (8,53 triệu tấn, thứ 48) và Jiuquan Steel của Trung Quốc (8,75 triệu tấn, thứ 47).
Nếu các tập đoàn này giảm sản lượng thì Hòa Phát có khả năng lọt vào top 50 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới năm 2021.
Hoạt động của mọi doanh nghiệp thép đều tiềm ẩn những rủi ro làm gián đoạn sản xuất như thiên tai, sự cố hỏa hoạn, hỏng hóc trang thiết bị, thiếu nguyên vật liệu, đại dịch lây lan, hay nhu cầu sa sút ...
Việc các doanh nghiệp giảm công suất và tụt hạng là chuyện mới. Như nói ở trên, sản lượng của ArcelorMittal năm 2020 giảm 19% (tức gần 19 triệu tấn) so với năm trước, qua đó đánh mất ngôi đầu vào tay China Baowu. Nippon Steel giảm 10 triệu tấn, từ vị trị số 3 rơi số 5, POSCO giảm 2,5 triệu tấn, từ số 5 tụt xuống số 6. Tata Steel giảm 2 triệu tấn, từ số 9 xuống số 12.
Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đang có kế hoạch đầu tư dự án Dung Quất giai đoạn 2 với công suất 5,6 triệu tấn thép mỗi năm, phấn đấu đưa vào vận hành từ 2024. Khi đó, tổng công suất của Hòa Phát sẽ tăng lên thành 13,6 triệu tấn/năm.