|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá than Trung Quốc đồng loạt giảm, Mông Cổ nối lại xuất khẩu

08:09 | 02/04/2020
Chia sẻ
Thị trường than Trung Quốc tiếp tục suy yếu trong tuần 20 – 27/3. Bên cạnh đó, Mông Cổ thông báo đã nối lại xuất khẩu than với quốc gia này khiến nguồn cung tăng mạnh, gây áp lực lên giá cả.

Khi khu vực than cốc hạ nguồn Trung Quốc dần ổn định, trong khi giá than cốc tại một số vùng và giá mua của các nhà máy thép giảm mạnh. Đáng chú ý, Mông Cổ đã mở lại cảng để xuất khẩu than sang quốc gia này. Tổ chức SteelHome dự báo giá than luyện cốc nội địa, than nghiên PCI và than nhiệt trên thị trường giao ngay sẽ tiếp tục giảm.

Lượng hàng tồn kho tăng lên gây áp lực cho một số doanh nghiệp than Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp than lớn hạ giá hợp đồng dài hạn trong quý II/2020 có thể tác động đến thị trường.

Giá than nhập khẩu tại cảng cũng nằm trong đà lao dốc. Cụ thể, than luyện cốc loại I của Australia có giá 1.300-1.320 nhân dân tệ/tấn, giảm 30-50 nhân dân tệ so với tuần trước đó (13 - 20/3). Một số thương nhân không muốn bán than luyện cốc và không đưa ra báo giá. Tại ngày 27/3, giá than luyện cốc cứng tại mỏ Peak Downs ở mức 162 USD/tấn, giảm 11,5 USD/tấn trong tuần. Dự kiến giá than luyện cốc nhập khẩu sẽ tiếp tục giảm trong tuần đầu tháng 4.

Thị trường than nghiền PCI cũng đi xuống trong bối cảnh chung ổn định. Giá PCI của các mỏ than lớn ổn định trong khi giá của các mỏ than địa phương giảm mạnh. Một số mỏ than địa phương ở Changzhi, tỉnh Sơn Tây đã hạ giá xuất xưởng 30 nhân dân tệ/tấn, do đó, giá của PCI được niêm yết ở các khu vực khác của tỉnh Sơn Tây chịu áp lực giảm.

Một nhà máy thép lớn ở Sơn Đông giảm 30 nhân dân tệ còn 900 nhân dân tệ/tấn. Giá của PCI Nga đạt 855 nhân dân tệ/tấn và giá của than mỡ (bitum) là 670 nhân dân tệ/tấn. Dự kiến giá PCI trên thị trường giao ngay vẫn tiêu cực trong tuần đầu tháng 4.

Thị trường than nhiệt cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Tại các cảng phía Bắc, các giao dịch dường như bị trì trệ và báo giá tiếp tục giảm. Nhìn chung, nhu cầu than nhiệt lớn hơn nguồn cung nên giá than nhiệt trên thị trường giao ngay còn chịu nhiều áp lực.

Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, Trung Quốc đã xuất khẩu gần 0,4 triệu tấn than cốc trong hai tháng đầu năm, giảm hơn 1 triệu tấn, tương đương 74,2% so với cùng kì năm ngoái. Khối lượng xuất khẩu trung bình hàng tháng giảm 0,58 triệu tấn, tương đương 76,4%.

Giá than Trung Quốc đồng loại giảm, Mông Cổ nối lại xuất khẩu - Ảnh 1.

Tồn kho thị trường than Trung Quốc so với cùng kì năm ngoái. Nguồn: Tổng hợp từ SteelHome

Tồn kho than cốc tại các nhà máy luyện cốc độc lập của Trung Quốc đã giảm từ sau Tết Nguyên đán đến hết tuần 27/3. Nguồn cung than cốc tăng trở lại với tỉ lệ khai thác công suất tại các nhà máy thậm chí phục hồi vượt mức trước kì nghỉ.

Tỉ lệ khai thác công suất tại 100 nhà máy luyện cốc tăng 2,11%, theo dữ liệu SteelHome. Một số nhà máy luyện cốc bị thiếu hụt nguyên liệu và việc mua sắm đầu vào bị chậm lại. Hiện tại, tồn kho than luyện cốc tại các nhà máy luyện cốc vẫn ở mức thấp.

Tính đến ngày 26/3, tổng tồn kho than mỡ luyện cốc tại các nhà máy đạt gần 5,7 triệu tấn, giảm 7,6 triệu tấn (tương đương 25,57%) so với trước kì nghỉ lễ và giảm 21,8% so với với hàng tồn kho trung bình năm 2019. Trong khi đó, tốc độ vận hành lò cao tại các nhà máy thép của Trung Quốc tăng 1,18% lên 84,03% khi nhu cầu về nguyên liệu thô tăng.

Ngày 1/4, Mông Cổ công bố đã nối lại việc xuất khẩu than sang Trung Quốc thông qua 4 điểm biên giới gồm Gashuunukhait, Shiveekhuren, Zamiin-Uud và Khangi.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mông Cổ cho biết, quốc gia không giáp biển này đã xuất khẩu 2,9 triệu tấn than sang Trung Quốc từ ngày 1/1 đến 15/3 năm nay, giảm 47% so với cùng kì năm ngoái. Trước đó, Chính phủ Mông Cổ đã đình chỉ xuất khẩu than sang Trung Quốc vào tháng 2 sau khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh.

Theo dữ liệu thống kê của Văn phòng thống kê quốc gia Mông Cổ, sản lượng than của Mông Cổ của quốc gia này đạt trên 5,6 triệu tấn trong hai tháng đầu năm, giảm gần 30% so với cùng kì năm ngoái và khối lượng xuất khẩu than giảm 16% còn 5,2 triệu tấn.

Trong đó, sản lượng than tính riêng tháng 2 là 2,7 triệu tấn, giảm 28,8% so với cùng kì năm ngoái và xuất khẩu gần 2,8 triệu tấn, giảm 31,4%. Than là mặt hàng xuất khẩu chính của Mông Cổ. Nước này đã xuất khẩu tổng cộng 36,4 triệu tấn than vào năm 2019, theo Tổng cục Hải quan.

Đan Thanh

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.