|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Gia tài của ông Trịnh Văn Quyết lên tới hàng tỷ USD, trải từ cổ phiếu tới bất động sản

08:01 | 28/03/2022
Chia sẻ
Ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ cổ phần tại nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn FLC, Bamboo Airways, FLCHomes, FLC GAB, … Ngoài ra, vợ chồng ông còn sở hữu một số bất động sản.

 Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC trong chuyến công tác tại Đức ngày 8/3/2022. (Ảnh: FLC). 

Tập đoàn FLC

Ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC từ năm 2010. Hiện nay ông Quyết là cổ đông lớn nhất sở hữu 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% vốn của tập đoàn.

Kết phiên cuối tuần vừa qua (25/3), giá cổ phiếu FLC tăng 2,1% lên 14.600 đồng/cp, tức là phần vốn của ông Quyết có giá trị thị trường hơn 3.100 tỷ đồng.

FLC GAB

Ông Quyết hiện không nắm giữ chức vụ lãnh đạo nào tại CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (Mã: GAB) nhưng đang là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 51,1%, tương ứng hơn 7,6 triệu đơn vị GAB.

Tính theo thị giá hiện nay là 196.400 đồng/cp, số cổ phiếu GAB này có giá trị gần 1.500 tỷ đồng.

Số cổ phiếu GAB tự do chuyển nhượng khá nhỏ, giá lại tương đối cao, để mua một lô tối thiểu 100 đơn vị đã cần tới gần 20 triệu đồng, vì vậy thanh khoản của GAB không cao. Mỗi phiên chỉ có khoảng vài trăm đơn vị GAB được khớp lệnh.

Đồ thị giá cổ phiếu GAB có hình răng cưa ít thấy trên thị trường chứng khoán, sau một phiên tăng mạnh là chuỗi phiên giảm, rồi lại đến một phiên tăng mạnh để duy trì giá trong biên độ hẹp 195.000 – 197.000 đồng/cp.

 

Chứng khoán BOS

Một cổ phiếu niêm yết khác mà ông Quyết đang sở hữu là ART của Chứng khoán BOS (tiền thân là Chứng khoán Artex).

Bà Trịnh Thị Thúy Nga, em gái của ông Quyết, đang là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc của Chứng khoán BOS. Vì vậy ông Quyết là người liên quan đến người nội bộ và có nghĩa vụ công bố thông tin trước khi mua bán cổ phiếu ART.

Ngoài ra, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC, cũng chính là Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán BOS.

Ông Quyết đang nắm giữ 3,156 triệu đơn vị ART, giá trị thị trường khoảng 36 tỷ đồng.

 

FLC Faros

Ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch FLC Faros từ tháng 5/2017 cho đến khi từ chức vào ngày 7/4/2020. Sau đó, ông Quyết liên tục bán tổng cộng 267,5 triệu đơn vị ROS, giảm tỷ lệ sở hữu tại FLC Faros xuống 4,17%.

Hiện nay ông Quyết không còn là cổ đông lớn, cũng không phải lãnh đạo hay bên liên quan của người nội của công ty xây dựng này.

Theo báo cáo đến ngày 31/12/2020, Chủ tịch Tập đoàn FLC đang sở hữu 23,7 triệu đơn vị ROS, tương ứng 4,17% vốn. Giả sử ông Quyết giữ nguyên tỷ lệ sở hữu này đến hôm nay thì số cổ phiếu ROS trong danh mục của ông có giá trị 223 tỷ đồng.

 Ông Trịnh Văn Quyết tại sự kiện giới thiệu cơ hội đầu tư vào FLCHomes cuối năm 2019. (Ảnh: Đức Quyền). 

Bamboo Airways

Ông Quyết là Chủ tịch của hãng hàng không Bamboo Airways liên tục từ ngày thành lập 31/5/2017 cho đến nay.

Tại ngày 1/6/2021, Bamboo Airways có vốn điều lệ 16.000 tỷ đồng, tương đương 1,6 tỷ cổ phiếu. Trong đó, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết nắm 56,5%.

Đến tháng 9/2021, Bamboo tăng vốn lên thành 18.500 tỷ đồng. Giả sử tỷ lệ sở hữu của ông Quyết không thay đổi thì hiện nay ông đang nắm giữ khoảng 1 tỷ cổ phần Bamboo Airways.

Hãng hàng không này đang dự định đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM với giá không thấp hơn 60.000 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa 111.000 tỷ đồng. Phần vốn góp của ông Quyết sẽ có trị giá khoảng 60.000 tỷ đồng.

FLCHomes

CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes hiện có vốn điều lệ 4.160 tỷ đồng. Ngày 27/11/2019, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) bắt đầu nhận lưu ký và cấp mã chứng khoán FHH cho 416 triệu cổ phiếu FLCHomes.

Tính đến cuối năm 2020, ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông lớn nhất sở hữu 52,49% vốn của FLCHomes, tương đương 218,3 triệu cổ phiếu FHH.

FLCHomes có kế hoạch đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM với giá ban đầu 35.000 đồng/cp, tức là phần vốn của ông Quyết có thể trị giá khoảng 7.600 tỷ đồng.

FLCHomes cũng như Bamboo Airways hiện chỉ đang giao dịch phi tập trung trên thị trường OTC nên khó xác định chính xác giá trị thị trường. Kế hoạch đưa hai doanh nghiệp này lên sàn chứng khoán tập trung (HOSE, HNX hoặc UPCoM) đã được công bố từ lâu nhưng bị hoãn lại vì nhiều lý do.

Giá trị thực tế của các cổ phiếu này có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn đáng kể so với ước tính kể trên.

 

Bất động sản

Ngoài cổ phiếu, ông Trịnh Văn Quyết còn nắm giữ một lượng bất động sản.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, ông Quyết và vợ là bà Lê Thị Ngọc Diệp đã dùng 5 biệt thự tại khu đô thị mới Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội để bảo đảm cho khoản vay của Tập đoàn FLC. Các biệt thự này bao gồm B12-BT6, B28-BT1A, B30-BT6, B3-BT6, B32-BT6.

Các bất động sản trên có tổng giá trị định giá là hơn 95 tỷ đồng. Trong khi đó, hợp đồng tín dụng của FLC với Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội có hạn mức 100 tỷ đồng và các khế ước nhận nợ từng lần, mục đích vay là bổ sung vốn lưu động kinh doanh vật liệu xây dựng và máy móc thiết bị văn phòng, máy xây dựng.

Song Ngọc - Đức Quyền