|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá quặng sắt chạm đáy hai năm

11:06 | 19/08/2024
Chia sẻ
Giá quặng sắt đã chạm mức thấp nhất trong hai năm qua do ngành bất động sản của Trung Quốc gặp khó khăn, làm giảm nhu cầu thép. Điều này đồng thời đe dọa làm giảm thu nhập tại các công ty khai thác lớn nhất thế giới.

 Theo Financial Times, giá của nguyên liệu chính để sản xuất thép đã giảm hơn 30% kể từ đầu năm đến nay, khiến tổng giá trị vốn hóa thị trường của "bốn công ty khai thác quặng sắt lớn" - BHP, Rio Tinto, Vale và Fortescue - giảm khoảng 100 tỷ USD.

Theo dữ liệu của Argus, giá quặng sắt giao tới Thanh Đảo đã giảm xuống còn 92,2 USD một tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022 và dưới mức quan trọng 100 USD mà tại đó các nhà sản xuất gần như không có lãi. 

 Giá quặng sắt chạm đáy 2 năm vì nhu cầu của Trung Quốc yếu (Nguồn: Argus, Financial Times)

Ông Vivek Dhar, giám đốc nghiên cứu khai khoáng và năng lượng tại Ngân hàng Commonwealth, cho biết: "Thị trường có lý do để lo ngại rằng giá quặng sắt có thể duy trì ở mức dưới 100 USD/tấn trong thời gian tới".

Ông Hu Wangming, chủ tịch của Baowu Steel, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, tuần trước đã cảnh báo rằng ngành thép đang trong cơn khủng hoảng, và sẽ phải đối mặt với một "mùa đông" "dài hơn, lạnh hơn và khó khăn hơn" so với các đợt suy thoái thị trường trước đó vào năm 2008 và 2015.

Quặng sắt là nguồn thu nhập chính của các công ty khai thác lớn nhất thế giới như BHP và Rio Tinto, giúp họ có đủ sức mạnh để tạo ra lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư và là nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng của các mặt hàng khác như đồng và phân bón.

Sự sụt giảm của giá quặng sắt còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công ty khai thác hơn khi giá đồng giảm gần 1/5 so với mức cao kỷ lục hồi tháng 5 xuống còn khoảng 9.100 USD một tấn, do nhu cầu của Trung Quốc yếu, dập tắt cơn sốt của kim loại này. 

Tuy nhiên, với các công ty khai khoáng lớn tạiAustralia và Brazil, ngay cả khi giá quặng sắt ở mức 100 USD/tấn thì họ vẫn có lợi nhuận vì giá thành khai thác thấp. Cả hai quốc gia này đều xuất khẩu khối lượng quặng sắt kỷ lục trong những tháng gần đây.  

Giám đốc điều hành của các công ty khai khoáng dường như không hề nao núng trước nhu cầu giảm ở Trung Quốc. Tháng trước, giám đốc điều hành của Rio, ông Jakob Stausholm, trả lời tờ Financial Times rằng nhu cầu thép cho bất động sản của Trung Quốc đã giảm 100 triệu tấn nhưng đã tăng 40 triệu tấn từ quá trình chuyển đổi năng lượng giữa năm 2020 và 2023. Con số này chỉ bằng một phần nhỏ so với 1,9 tỷ tấn sản lượng quặng sắt toàn cầu của năm ngoái.

Giới phân tích cho biết các tập đoàn khai thác lớn có thể can thiệp để ngăn giá quặng sắt giảm quá sâu. Các lô hàng từ Australia và Brazil đã bắt đầu chậm lại, với dữ liệu tháng 7 chỉ ra sự sụt giảm mạnh.

“Quặng sắt là một ngành công nghiệp có cấu trúc tốt,” ông Bob Brackett, nhà phân tích ngành khai khoáng tại Bernstein cho biết. “Các công ty khai thác toàn cầu lớn kiểm soát chuỗi cung ứng của riêng họ. Tương tự như OPEC sẽ không làm tràn ngập thị trường dầu nếu nhu cầu của thấp"

Tuy nhiên, thị trường cũng đang lo ngại nhu cầu thép và quặng sắt thấp trong bối cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn tiếp tục sụt giảm. Trong nửa đầu năm nay, số lượng nhà khởi công mới giảm 25% sau hai năm sụt giảm liên tiếp ở mức hai chữ số.

 

Các nhà máy thép ở Trung Quốc hiện đang có biên lợi nhuận âm do tình trạng dư thừa nguồn cung, gây áp lực buộc họ phải cắt giảm sản lượng để tăng giá và tồn tại.

BHP và Vale đã khai thác quặng sắt với khối lượng kỷ lục trong nửa đầu năm 2024 và lượng hàng hóa lớn này đang tích tụ tại các cảng Trung Quốc với lượng dự trữ tăng 28% lên 150,4 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái, theo SteelHome.

Trong số các nhà sản xuất quặng sắt lớn, cổ phiếu của Fortescue, nơi có hơn 90 phần trăm doanh thu từ hàng hóa này, đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với các công ty cùng ngành. Ông Paul McTaggart, một nhà phân tích tại Citi, cho biết việc công ty tiếp xúc với hàng hóa này đã chứng tỏ là "có vấn đề".

Ông Cicero Machado, giám đốc cấp cao về tài sản khối tại công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết, mặc dù áp lực giảm giá quặng sắt dự kiến sẽ làm giảm lợi nhuận tại các công ty khai thác hàng đầu, các nhà sản xuất ở Trung Quốc, Malaysia và Nam Phi, cũng như các công ty nhỏ hơn, mức độ thiệt hại còn lớn hơn. 

Họ "là những người sẽ cảm thấy bị ảnh hưởng đầu tiên và có khả năng bị loại khỏi cuộc chơi nếu giá tiếp tục có xu hướng giảm".

Ông Xinying Yao, giám đốc bộ phận thép tại SMM, một nhà cung cấp dữ liệu kim loại có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết xét đến khoảng thời gian từ khi mua đất đến khi xây dựng, rất khó để thấy nhu cầu về thép từ lĩnh vực bất động sản có thể cải thiện trong 12 tháng tới.

Bà cho biết: “Nhiều nhà máy thép phải cắt giảm sản lượng cho đến khi ngành công nghiệp đạt được sự cân bằng chặt chẽ hơn”, đồng thời cảnh báo: “Chúng tôi nghĩ rằng vẫn còn dư địa để giá quặng sắt giảm xuống mức 90 USD một tấn”.

 

 

H.Mĩ