|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá phân bón tăng vọt 83%, nguy cơ tích trữ cục bộ?

07:52 | 10/08/2021
Chia sẻ
Trước tình trạng giá phân bón tăng phi mã ở các tỉnh phía Nam, FAV cho biết không thể khẳng định việc đầu cơ cục bộ vì Hiệp hội không có lượng hàng sản xuất, tồn kho của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quy luật khi giá của bất cứ mặt hàng nào tăng đều có xu hướng đầu cơ, tích trữ để hưởng lợi tối đa.

Ngụy tạo khan hiếm nhằm trục lợi

Theo Bộ NN&PTNT, đến đầu tháng 8 giá phân bón trong nước và nhập khẩuđã liên tục tăng cao so với đầu năm.

Giá phân bón tăng vọt 83%, nguy cơ tích trữ cục bộ? - Ảnh 1.

Giá phân bón tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt (Số liệu: Bộ NN&PTNT, Đơn vị: đồng/kg)

Nông dân sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh COVID-19 vốn đã chật vật, cộng thêm giá phân bón tăng phi mã lại thêm khó. Hiệp hội Lương thực Việt Nam ghi nhận ý kiến của người dân nếu giá vật tư đầu vào tăng, giá lúa vẫn giảm thì họ sẽ bỏ ruộng, không trồng vụ 3.  

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết vấn đề vận chuyển, lưu thông giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được tháo gỡ nhưng giá phân bón vẫn tiếp tục tăng cao, đỉnh điểm có loại tăng 83% so với thời điểm tháng 1.

"Phân bón sản xuất trong nước mà tăng quá cao như vậy thì nông dân làm sao chịu nổi. Giá vật tư có thật sự là chi phí sản xuất cao không?

Phải chăng bắt đầu vào vụ mùa sản xuất, giãn cách xã hội, giao thông trắc trở thì tất cả cùng tăng giá?", Thứ trưởng Nam đặt câu hỏi.

Ngay sau đó, Tổ Công tác 970 (Bộ NN&PTNT) có công văn đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh phía Nam phối hợp với Thanh tra Cục Bảo vệ thực vật và Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thường xuyên kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu) không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng… tạo khan hiếm giả tạo để trục lợi.

Mặc dù các doanh nghiệp phân bón đã tăng công suất, hạn chế xuất khẩu nhưng giá phân bón vẫn chưa hạ nhiệt, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam.

Trao đổi với người viết, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cho biết giá phân bón Việt Nam tăng theo xu hướng giá phân bón thế giới.

“Hiện nay, các doanh nghiệp phân bón vẫn duy trì sản xuất ổn định. Hiệp hội không có số liệu sản xuất và lượng tồn kho của doanh nghiệp. 

Do đó, không thể khẳng định việc có đầu cơ cục bộ ở các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, theo quy luật giá của bất cứ mặt hàng nào tăng đều có xu hướng đầu cơ, tích trữ để hưởng lợi tối đa”.

Giải pháp bình ổn giá phân bón

Để góp phần bình ổn giá phân bón, đảm bảo nguồn cung, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, FAV khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón tăng tối đa công suất đảm bảo nguồn cung phân bón ra thị trường, tránh tâm lý lo lắng thiếu hàng hóa của người nông dân, loại bỏ được tình trạng găm hàng đẩy giá.

Bên cạnh đó, FAV đề xuất Quốc hội thông qua việc điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Luật thuế số 71, sớm đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT từ 0 - 5%, điều cấp thiết đối với các đơn vị trong ngành, tăng sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Trong trường hợp cần thiết có thể vận dụng các công cụ về thuế, suất nhập khẩu, tuy nhiên cần phải căn cứ vào các hiệp định song phương, đa phương mà nước ta đã tham gia ký kết. 

Đồng thời cần có những đánh giá cụ thể và chính xác về ảnh hưởng của thuế phòng vệ thương mại đối với sản xuất, đối với giá thành phân bón trong nước.

Trao đổi với người viết về việc giá phân bón tăng trước thềm vụ sản xuất Thu Đông, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết giá phân bón tăng phi mã trước mắt làm giảm động lực sản xuất vụ mới và về lâu dài ảnh hưởng đến lợi nhuận, thu nhập của nông dân.

Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào leo thang, đại diện Cục Trồng trọt khuyến cao người dân cần sử dụng tiết kiệm các loại phân bón, không vượt quá nhu cầu của cây trồng.

Đồng thời, Cục chỉ đạo các Sở NN&PTNT hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm lượng phân bón, sử dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ tại chỗ giúp giảm chi phí mà vẫn đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Hoàng Anh