|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá phân bón có thể tăng 25% trong năm 2021

10:42 | 07/11/2021
Chia sẻ
Giá phân bón trung bình năm 2021 dự báo cao hơn 25% so với năm 2020, trước khi giảm vào năm 2022 do nhu cầu phân bón thế giới tăng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, chí phí vận tải tăng cao, chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu toàn cầu dễ bị đứt gãy, dự báo, giá phân bón trong nước cũng như trên thế giới từ giờ đến cuối năm 2021 duy trì ở mức cao.

Trong tháng 10, Urê là mặt hàng có biến động mạnh nhất khi tăng 40 – 45% (4.500 – 4.800 đồng/kg) so với cuối tháng trước lên mức 15.300 – 16.000 đồng/kg tại TP. HCM.

Tương tự, giá phân bón DAP tăng 3.300 – 4.000 đồng/kg so với tháng trước; Kali hạt miểng tăng 2.500 đồng/kg; NPK cũng tăng 1.500 – 2.800 đồng/kg.

Như vậy, giá các mặt hàng phân bón hiện đã cao hơn 2 – 2,3 lần so với đầu năm nay và đang là gánh nặng đối với người nông dân trước vụ Đông Xuân 2021-2022 bởi chi phí phân bón chiếm 21% - 24% giá thành sản xuất lúa. Trong khi đó, giá lúa gạo lại đang thấp hơn từ 1.000 – 2.000 đồng/kg so với đầu năm.

Giá phân bón lập đỉnh mới, dự kiến sẽ còn tăng tiếp - Ảnh 1.

Giá một số loại phân bón tại TP. HCM ngày 31/10/2021. (Nguồn: Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam và Công ty Cổ Phần Phân Bón Bình Điền)

Phần lớn giá các loại phân bón thế giới đều tăng mạnh trong năm 2021, đặc biệt là phân lân (phốt phát) và phân đạm (Ure), chủ yếu do nhu cầu mạnh và chi phí đầu vào tăng. Giá phân Kali về cơ bản ổn định nhờ nguồn cung dồi dào. 

Trên sàn giao dịch CME, sau khi tăng phi mã 200 – 300 USD/tấn trong nửa đầu tháng 10, giá phân bón Urê tiếp tục tăng thêm khoảng 20 - 40 USD/tấn trong những tuần tiếp theo.

Kết thúc tháng 10, giá phân bón Urê hạt đục tại Trung Đông đã tăng 82% (tương ứng tăng 378 USD/tấn) so với cuối tháng trước lên mức 835 USD/tấn (FOB), hợp đồng kỳ hạn tháng 11.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo giá phân bón trung bình năm 2021 dự báo cao hơn 25% so với năm 2020, trước khi giảm vào năm 2022 do nhu cầu phân bón thế giới tăng. 

Nhu cầu từ các khu vực trồng trọt chính trên thế giới đang làm động lực thúc đẩy giá phân tăng. Giá hàng hóa nông sản, như ngô và đậu tương, đồng loạt tăng cao giữa bối cảnh nguồn cung giảm và nhu cầu mạnh. 

Doanh thu nông nghiệp tăng giúp mở rộng diện tích canh tác và sử dụng các chất bổ sung dinh dưỡng chính cho đất là lân và kali. 

Chi phí đầu vào cao hơn. Mặc dù công suất vẫn còn dồi dào để đáp ứng nhu cầu mạnh nhưng ngành phân bón cần thời gian để tăng sản lượng, do đó trong ngắn hạn, giá phân bón sẽ tiếp tục tăng. 

Thuế đối kháng do Mỹ áp lên phân lân nhập khẩu từ Maroc và Nga làm gián đoạn các luồng thương mại quốc tế. 

Hơn nữa, có những dấu hiệu cho thấy các động thái thương mại tương tự có thể áp dụng đối với các chính sách trợ cấp được cho là không công bằng đối với Ure và ammonium nitrate. 

Các căng thẳng địa chính trị tại Belarus và Nga có thể đẩy giá phân Kali tăng nhưng các chính sách môi trường khắt khe tại Trung Quốc có thể làm chậm lại tốc độ nhập khẩu phân Kali.

H.Mĩ