|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá phân bón lập đỉnh mới, dự kiến sẽ còn tăng tiếp?

08:43 | 05/11/2021
Chia sẻ
Sau khi tăng mạnh trong tháng 10, giá phân bón được cho là sẽ tiếp tục tăng cao trong những tháng tới do căng thẳng cung cầu trên thị trường quốc tế vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, chi phí đầu vào như dầu thô, khí đốt, than đá... vẫn ở mức cao.

Giá phân bón trong nước tăng 2 - 2,3 lần so với đầu năm

Giá phân bón thế giới tăng mạnh đã kéo theo giá các mặt hàng phân bón trong nước tăng lên mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.

Trong tháng 10, Urê là mặt hàng có biến động mạnh nhất khi tăng 40 – 45% (4.500 – 4.800 đồng/kg) so với cuối tháng trước lên mức 15.300 – 16.000 đồng/kg tại TP. HCM.

Tương tự, giá phân bón DAP tăng 3.300 – 4.000 đồng/kg so với tháng trước; Kali hạt miểng tăng 2.500 đồng/kg; NPK cũng tăng 1.500 – 2.800 đồng/kg.

Như vậy, giá các mặt hàng phân bón hiện đã cao hơn 2 – 2,3 lần so với đầu năm nay và đang là gánh nặng đối với người nông dân trước vụ Đông Xuân 2021-2022 bởi chi phí phân bón chiếm 21% - 24% giá thành sản xuất lúa. Trong khi đó, giá lúa gạo lại đang thấp hơn từ 1.000 – 2.000 đồng/kg so với đầu năm.

Giá phân bón lập đỉnh mới, dự kiến sẽ còn tăng tiếp - Ảnh 1.

Giá một số loại phân bón tại TP. HCM ngày 31/10/2021. (Nguồn: Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam và Công ty Cổ Phần Phân Bón Bình Điền. Tổng hợp: Hoàng Hiệp)

Đà tăng giá vẫn chưa dừng lại

Mặc dù đã tự chủ được một số loại phân bón như Urê, NPK, phân lân, nhưng do chi phí đầu vào như giá dầu, giá khí... tăng mạnh khiến nhiều dự báo cho thấy, giá phân bón trong nước sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đặc biệt là phân bón Urê.

Trên thị trường thế giới, giá phân bón Urê cũng đang cho thấy xu hướng mạnh lên do nguồn cung vẫn đang trong trạng thái thiếu hụt.

Hiện một số giao dịch phân bón Urê hạt đục trên thị trường quốc tế đang dao động từ 855 - 900 USD/tấn (FOB), tương đương 19 – 20 triệu đồng/tấn.

Mặt khác, theo độ trễ thì đà tăng phi mã của giá phân bón thế giới trong tháng 10 vừa qua sẽ được phản ánh rõ nét hơn trong các lô hàng nhập khẩu của tháng 11 cũng như tháng 12 tới.

Giá phân bón lập đỉnh mới, dự kiến sẽ còn tăng tiếp - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Petrotimes

Trên sàn giao dịch CME, sau khi tăng phi mã 200 – 300 USD/tấn trong nửa đầu tháng 10, giá phân bón Urê tiếp tục tăng thêm khoảng 20 - 40 USD/tấn trong những tuần tiếp theo.

Kết thúc tháng 10, giá phân bón Urê hạt đục tại Trung Đông đã tăng 82% (tương ứng tăng 378 USD/tấn) so với cuối tháng trước lên mức 835 USD/tấn (FOB), hợp đồng kỳ hạn tháng 11.

Giá Urê hạt đục tại vịnh Mỹ cũng mạnh lên 728 USD/tấn (FOB); Urê hạt đục tại Ai Cập đạt 845 USD/tấn (FOB), một số lô hàng khối lượng nhỏ thậm chí đã lên đến 900 USD/tấn (FOB).

Giá UAN NOLA Mỹ cũng tăng thêm 260 USD/tấn lên 563 USD/tấn. Trong khi đó, giá DAP Mỹ và MAP Brazil tăng chậm hơn với mức tăng lần lượt là 27 và 60 USD/tấn.

So với đầu năm nay, UAN NOLA Mỹ đã tăng hơn 321,3%, Urê tăng từ 170 – 200%, DAP và MAP tăng 72,4% - 97,2%.

Giá một số mặt hàng phân bón trên sàn giao dịch CME ngày 31/10/2021

Phân bón

31/10/2021 (USD/tấn)

So với ngày 30/9/2021 (%)

So với đầu năm 2021 (%)

Urê granular Trung Đông (FOB)

835

82,5

199,3

Urê granular Mỹ (FOB)

728

40,4

170,9

Urê granular Ai Cập (FOB)

845

69,8

187,4

Urê granular Brazil (CFR)

823

65,2

180,7

DAP NOLA Mỹ (FOB)

675

4,1

72,4

UAN NOLA Mỹ (FOB)

563

86,0

321,3

MAP Brazil (CFR)

770

8,5

97,2

(Nguồn: Sàn giao dịch CME, Tổng hợp: Hoàng Hiệp)

Giá phân bón tăng mạnh trong hơn một tháng qua chủ yếu do ảnh hưởng bởi nguồn cung thắt chặt tại châu Âu khi giá khí đốt tăng cao khiến nhiều nhà máy phải cắt giảm công suất hoặc tạm dừng sản xuất.

Thị trường tiếp tục nóng lên khi Cơ quan Hải quan Trung Quốc (CGAC) thông báo sẽ bắt đầu kiểm tra 29 loại phân bón và nguyên liệu sản xuất kể từ ngày 15/10.

Bên cạnh đó, giá còn tăng do được hỗ trợ bởi nhu cầu mua vào của Ấn Độ, nước nhập khẩu phân bón Urê lớn nhất thế giới.

Theo trang tin về phân bón Profercy, Ấn Độ đã quay trở lại thị trường với phiên đấu thầu mới diễn ra từ ngày 1/11 đến 11/11, giao hàng đến ngày 10/12.

Profercy cho rằng, các nhà sản xuất sẽ đưa ra mức giá cao trong phiên đấu thầu này của Ấn Độ và với nguồn cung ngày càng eo hẹp rất khó để Ấn Độ có thể mua đủ lượng Urê mà nước này đặt ra.

Hiện nguồn cung từ Ấn Độ vẫn còn đang thiếu hụt so với nhu cầu dự kiến vào khoảng 3,5 triệu tấn cho đến cuối tháng 2 năm sau. Do đó, các phiên đấu thầu từ nhà nhập khẩu Urê lớn nhất thế giới sẽ là động lực chính thúc đẩy thị trường trong thời gian tới.

Giá phân bón lập đỉnh mới, dự kiến sẽ còn tăng tiếp - Ảnh 4.

Nguồn: Sàn giao dịch CME. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Hoạt động sản xuất và nhập khẩu được đẩy mạnh, nhiều doanh nghiệp báo lãi lớn

Do giá phân bón tăng cao, hoạt động sản xuất và nhập khẩu phân bón của nước ta từ đầu năm đến nay được đẩy mạnh.

Theo số liệu ước tính của Bộ Công Thương, trong 10 tháng năm 2021, nhập khẩu phân bón của nước ta đạt 3,7 triệu tấn, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, sản xuất phân bón trong nước cũng tăng 10,6% trong 10 tháng đầu năm nay lên mức gần 5,7 triệu tấn, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, để đảm bảo nguồn cung trong nước xuất khẩu phân bón từ đầu quý III đến nay liên tục giảm. Do đó, tính đến hết tháng 10 xuất khẩu phân bón chỉ tăng nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 1 triệu tấn.

Như vậy, tổng nguồn cung phân bón trong nước sau 10 tháng đang khá dồi dào với khoảng 8,4 triệu tấn (công thức tính: Nhập khẩu + sản xuất - xuất khẩu), tăng 945.649 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá phân bón lập đỉnh mới, dự kiến sẽ còn tăng tiếp - Ảnh 5.

Số liệu từ Bộ Công Thương và Tổng cục Thống kê. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Với việc giá phân bón liên tục tăng cao, kết quả kinh doanh quý III/2021 của nhiều doanh nghiệp phân bón trong nước đạt lợi nhuận cao gấp nhiều lần cùng kỳ các năm trước và vượt xa mục tiêu lợi nhuận năm, bất chấp những diễn biến căng thẳng của dịch COVID-19.

Cụ thể, lãi sau thuế của Đạm Phú Mỹ trong quý III đạt 630 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, Đạm Phú Mỹ đã thực hiện gần 94% kế hoạch doanh thu và đã vượt hơn ba lần mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm.

Tương tự, Đạm Cà Mau đạt mức lợi nhuận quý cao kỷ lục kể từ khi cổ phần hóa (năm 2015) với 374 tỷ đồng. Biên lãi gộp của công ty thay tăng vọt từ 12,3% cùng kỳ lên 30,7%. Lũy kế 9 tháng, Đạm Cà Mau đã vượt gấp hơn 4 lần chỉ tiêu lợi nhuận đề ra và đạt gần 81% kế hoạch doanh thu năm.

Hoàng Hiệp