|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá nông sản hữu cơ cao gấp 3 - 4 lần so với sản phẩm thường là vô lý?

17:32 | 19/09/2018
Chia sẻ
Chủ tịch Hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, ông Hà Phúc Mịch cho rằng, việc giá nông sản hữu cơ cao gấp 3 - 4 lần sản phẩm thường là không có cơ sở và không thể chấp nhận được. 
gia nong san huu co cao gap 3 4 lan so voi san pham thuong la vo ly Sản xuất nông sản hữu cơ: Tiềm năng lớn nhưng khó khăn trăm bề

Giá bán nông sản hữu cơ cao hơn sản phẩm thông thường tối đa chỉ 50%

Mặc dù dư địa của nông sản hữu cơ rất lớn nhưng nhiều ý kiến cho rằng các sản phẩm này có giá quá cao, thậm chí gấp 3 - 4 so với các sản phẩm thông thường.

Bên lề Diễn đàn: Làm gì để phát triển thị trường cho nông sản sạch, Chủ tịch Hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam nhận định, đây hoàn toàn là mức giá vô lý, không có cơ sở và không thể chấp nhận được.

gia nong san huu co cao gap 3 4 lan so voi san pham thuong la vo ly
Diễn đàn: Làm gì để phát triển thị trường cho nông sản sạch. Ảnh: Đức Quỳnh

Ông giải thích, các tổ chức quốc tế tính toán nếu việc sản xuất sản phẩm hữu cơ theo đúng quy trình thì giá bán chỉ cao hơn so với mặt bằng các sản phẩm nông sản thông thường 15 - 30%, cao nhất cũng chỉ 50%.

Bên cạnh đó, đặc thù của ngành là sử dụng phân bón hữu cơ được sản xuất từ nguyên liệu có sẵn ở địa phương. Kèm theo đó, các hộ sử dụng các biện pháp sinh học, thảo mộc để trừ sâu nên chi phí rẻ hơn so với việc sản xuất công nghiệp. Mặc dù chi phí lao động lớn nhưng nhưng giá thành cộng gộp không cao hơn so với sản xuất công nghiệp.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Chiến, nhà sáng lập chuỗi cửa hàng nông sản sạch Bác Tôm cho rằng, nếu quy mô sản xuất lớn hơn giá thành sản xuất càng giảm. Bên cạnh đó, khi nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường, giá nông sản hữu cơ cũng sẽ được hạ xuống do tính cạnh tranh cao.

Theo ông Mịch, đến nay, xuất phát từ nhu cầu của thị trường và sự chủ động của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trên cả nước đã hình thành nhiều mô hình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm hữu cơ như: Trác Văn (Hà Nam), Hội An (Đà Nẵng), Đơn Dương (Lâm Đồng); Công ty Ecolink (Lào Cai), công ty Viễn Phú sản xuất lúa - cá (Cà Mau) với diện tích canh tác trên 250 ha...

Gần đây đã có một số tỉnh thành có chủ trương thành lập Hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh như Khánh Hòa, Bình Thuận, Hòa Bình, Tuyên Quang, Cao Bằng...

Trong xây dựng nông thôn mới, một số tỉnh đã đưa nông nghiệp hữu cơ là một nội dung trong phát triển nông nghiệp tăng thu nhập, bảo vệ môi trường như Hà Tĩnh, Tây Ninh...

Một số địa phương có quy hoạch đất đai cho phát triển Nông nghiệp hữu cơ như Tây Ninh (bước đầu 1.500 ha), Sóc Trăng (dự kiến 10.000 ha).

Phí chứng nhận sản phẩm hữu cơ của tổ chức quốc tế quá cao

Chia sẻ về một trong những khó khăn mà lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ đang gặp phải, ông Mịch cho biết, phí chứng nhận sản phẩm hữu cơ của tổ chức quốc tế quá cao.

Do đó, ông Mịch khuyến cáo, người sản xuất cần định hướng rõ thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ của gia, trang trại (chợ địa phương, khu vực dân cư, siêu thị hay xuất khẩu...). Mỗi một thị trường đều có các yêu cầu về tiêu chuẩn hữu cơ riêng và để đáp ứng được các yêu cầu đó cần phải đảm bảo tìm hiểu thị trường, tiêu chuẩn và các quy định an toàn thực phẩm theo luật.

Bên cạnh đó, các tổ chức chứng nhận nâng cao trình độ, hiểu biết trong chứng nhận hữu cơ, đảm bảo chứng nhận đúng, đủ các nguyên tắc của tiêu chuẩn hữu cơ, minh bạch các hoạt động của tổ chức chứng nhận.

Ngoài ra, các đơn vị này cần khuyến khích người sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hữu cơ đã lựa chọn và góp phần làm minh bạch thị trường. Không bao che cho các đơn vị sản xuất chưa đạt chuẩn mà vẫn được chứng nhận, điều này gây méo mó thị trường và mất niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm hữu cơ có chứng nhận.

Xem thêm

Đức Quỳnh