|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá nhiên liệu hóa thạch lập đỉnh báo hiệu thời khắc suy tàn của một ngành công nghiệp ô nhiễm

06:54 | 08/09/2021
Chia sẻ
Trong ngắn hạn, giá nhiên liệu hóa thạch tăng nóng và lập đỉnh do cán cân cung - cầu mất cân bằng. Còn trong dài hạn, các mặt hàng gây ô nhiễm như than và khí đốt sẽ phải nhường đường cho năng lượng tái tạo, vốn an toàn và tiết kiệm chi phí hơn.

Giá nhiên liệu hóa thạch vẫn tăng nóng

Từ diễn biến giá trên thị trường, một số chuyên gia có thể cho rằng nhiên liệu hóa thạch đang được quan tâm trở lại.

Kể từ khi vượt ngưỡng 100 USD/tấn vào tháng 5 năm nay, giá than tại cảng Newcastle của Australia gần như tăng dựng đứng. Trong phiên giao dịch ngày 2/9 vừa qua, giá còn chạm mức kỷ lục 173,1 USD/tấn.

Chỉ số Japan-Korean Marker – giá tham chiếu cho hợp đồng khí đốt tự nhiên tại châu Á, cũng trong xu hướng tăng. Trong phiên giao dịch ngày 2/9, chỉ số này đạt mức cao 18,02 USD/mmbtu.

Dù con số trên chưa phải kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, đó vẫn là mức giá cao đột biến thứ ba từng thấy trong lịch sử thị trường khí đốt châu Á. Chưa kể, người dân hiện không tiêu thụ nhiều khí đốt vì chưa bước vào mùa đông.

Khi giá nhiên liệu hóa thạch lập đỉnh lại là tin chiến thắng cho năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

Nếu giá của các nhiên liệu hóa thạch tiếp tục bùng nổ, tham vọng giảm phát thải khí nhà kính của chính phủ các nước trên thế giới có thể bị đe dọa. 

Tuy nhiên, nguyên lý đằng sau đà tăng của than hay khí đốt lại khá đơn giản. Giá hàng hóa thường không tăng và giảm dựa trên nhu cầu, mà liên quan tới cán cân cung - cầu. Khi nguồn cung bị siết chặt, gây ra tình trạng mất cân bằng cán cân thì giá của nhiên liệu hóa thạch có thể tăng như hiện tại.

Dù trong dài hạn, mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm dần và nhường đường cho năng lượng tái tạo, nhưng giá của các mặt hàng này vẫn có thể bật tăng mạnh nếu cung tụt nhanh hơn cầu.

Trên thực tế, đằng sau đà tăng của than, dầu thô hay khí đốt có nhiều nguyên nhân. Một là việc Nga chuyển hướng dòng khí đốt từ châu Âu sang châu Á, hai là do Trung Quốc chuyển từ tiêu thụ than đá sang khí đốt.

Ngoài ra, mùa hè tương đối nắng nóng của năm nay khiến công suất thủy điện sụt giảm nhưng lại buộc người dân sử dụng nhiều điều hòa để làm mát hơn.

Song, quan trọng nhất chính là sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu từ hố sâu COVID-19. Mức tiêu thụ điện năng cải thiện khi hoạt động kinh tế phục hồi, đòi hỏi các nhà máy sản xuất điện phải quay về với các nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm.

Ẩn sau mùa hè bùng nổ là tương lai ảm đạm

Theo Bloomberg, một trong những động lực lớn nhất để năng lượng tái tạo gia tăng thị phần trong thập kỷ qua là nhu cầu tiêu thụ điện không đổi hoặc giảm.

Cụ thể, khi điện gió hoặc điện mặt trời chiếm khoảng 5% lưới điện của một quốc gia thì lượng khí thải nhà kính có thể giảm đáng kể nếu mức tiêu thụ điện đứng yên hoặc giảm xuống.

Tuy nhiên, nếu mức sử dụng điện tăng thêm 5%, công suất điện tái tạo sẽ không đủ lực để kéo khí thải nhà kính đi xuống. Nếu mức tiêu thụ điện tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, như tại Trung Quốc vào tháng 7 vừa qua, thì các nhà máy phát điện phải tìm đến nhiên liệu hóa thạch để bù vào phần thiếu hụt.

Tình huống này có thể biến những bất lợi kinh tế của than đá và khí đốt trở thành lợi thế. Trong nhiều năm nay, ngành năng lượng tái tạo phát triển mạnh đã khiến nhiều nhà máy phát điện phải tạm ngừng hoạt động.

Các nhà máy điện hóa thạch cần phải vận hành khoảng 60 - 80% công suất để có lãi, nhưng lần cuối cùng Trung Quốc - nước phát thải hàng đầu thế giới, chứng kiến ngưỡng này là vào năm 2011. Trong hầu hết năm 2019 và 2020, mức công suất vận hành của các nhà máy điện hóa thạch ở Trung Quốc là chưa đến 50%.

Do hoạt động dưới công suất, các nhà máy điện hóa thạch có thể tăng mạnh sản lượng điện nếu nhu cầu tiêu thụ điện bùng nổ.

Khi giá nhiên liệu hóa thạch lập đỉnh lại là tin chiến thắng cho năng lượng tái tạo - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: AP).

Điều đó dường như là một tin xấu cho kế hoạch giảm khí thải CO2 và trong ngắn hạn, đúng là bất lợi thật. Tuy nhiên, giá nhiên liệu hóa thạch tăng nóng như hiện nay cũng chính là một lời nhắc nhở cho ngành công nghiệp ô nhiễm này, rằng thời của điện hóa thạch không còn bao lâu.

Với giá than Newcastle hiện tại, ngay cả một nhà máy điện hoạt động hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất cũng phải trả tới 60 USD tiền nhiên liệu để sản xuất ra 1 MWh điện năng. Tại các thị trường hàng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, chi phí sản xuất điện gió hoặc điện mặt trời mới chỉ bằng một nửa hoặc ít hơn con số trên.

Đó là lý do quan trọng nhất giải thích tại sao thế giới vẫn sẽ từ bỏ nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống điện trong thập kỷ tới. Sản xuất điện tái tạo thường chỉ tốn kém vào thời điểm lắp đặt cơ sở vật chất và chi phí sẽ không thay đổi trong suốt vòng đời của dự án.

Do đó, Bloomberg cho rằng, niềm vui ngắn hạn khi giá nhiên liệu hóa thạch lập đỉnh đang báo hiệu cho sự suy tàn của những mặt hàng gây ô nhiễm hàng đầu này trong tương lai dài hạn.

Khả Nhân