|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá mía nguyên liệu và giá đường tăng mạnh trong tháng 9

10:52 | 30/09/2016
Chia sẻ
Niên vụ mía đường 2016-2017, sản lượng đường thế giới và trong nước đều giảm do khô hạn nghiêm trọng và xâm nhập mặn ở nhiều nơi nên giá mía nguyên liệu, giá đường đều tăng trong tháng 9, Bộ NN&PTNT cho biết.

Vùng ĐBSCL, năm nay, nước lũ vẫn chưa về nên bà con vùng mía nguyên liệu Phụng Hiệp, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang), Sóc Trăng bình tĩnh thu hoạch, không lo chạy lũ như mọi năm.

Toàn vùng có hơn 40.000 ha mía nguyên liệu vào giai đoạn chín. Đến tháng 10, nông dân các địa phương sẽ lần lượt thu hoạch. So với cùng kỳ năm trước, đường sản xuất trong nước có giá tốt hơn nên giá thu mua mía nguyên liệu của nông dân có khả năng tăng.

Bộ NN&PTNN cho hay, hiện giá đường trong nước tăng khoảng 500-700 đồng/kg so với đầu tháng 9. Một số nhà máy đường lên kế họach sản xuất cao hơn niên vụ mía đường năm trước nên giá mía tăng 930-1.000 đồng/kg mía 10 CCS (chữ đường), cao hơn khoảng 100-200 đồng so đầu vụ sản xuất 2015-2016.

Theo Công ty Mía đường Cà Mau, vụ sản xuất năm 2016-2017, công ty đề ra kế hoạch thu mua 140.000 tấn mía nguyên liệu phục vụ chế biến đường. Nhưng theo tính toán, sản lượng thu mua tại Cà Mau ước tính chỉ đạt khoảng 40.000 tấn nên dự kiến công ty sẽ gặp khó khăn lớn do thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu.

Trong tháng 10, để khắc phục khó khăn thiếu hụt nguồn nguyên liệu, công ty nâng giá thu mua mía của nông dân ngay từ đầu vụ là 850 đồng/kg (trữ đường 10 CCS), tăng khoảng 100 đồng/kg so năm 2015. Đồng thời, mở rộng địa bàn thu mua nguyên liệu ở các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng… để bù đắp nguồn nguyên liệu có khả năng bị thiếu hụt.

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), trong vụ sản xuất mía đường 2015-2016, dự kiến đạt trên 14,4 triệu tấn mía và 1,5 triệu tấn đường. Tuy nhiên do khô hạn, mặn xâm nhập vào đầu năm 2016 nên các nhà máy đường chỉ ép đạt 12,93 triệu tấn mía, sản lượng đường chỉ đạt 1,24 triệu tấn, giảm hơn 320.000 tấn.

Trong niên vụ 2016-2017, cả nước có 40 nhà máy đường với tổng công suất theo thiết kế là 155.300 tấn mía/ngày. Sản lượng mía ép dự kiến kế hoạch hơn 15 triệu tấn, sản lượng thu đạt trên 1,4 triệu tấn, trong đó đường tinh luyện đạt trên 50%.

Trước đó, Bộ Công Thương đã tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường năm 2016 bao gồm: 40.000 tấn đường thô và 45.000 tấn đường tinh luyện. Theo công bố của Hội đồng đấu thầu, có 3 công ty trúng thầu nhập khẩu đường thô bao gồm: Công ty cô phần Đường Biên Hòa số lượng trúng 14.444 tấn; Công ty cô phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh trúng thầu 14.444 tấn; Công ty Đường Khánh Hòa trúng 11.110 tấn. Đối với mặt hàng Đường tinh Luyện (số lượng 45.000 tấn), có 8 đơn vị trúng thầu.

Đến cuối tháng, giá bán buôn đường kính trắng loại 1 (có VAT) tại nhà máy giữ ổn định và giao động từ 15.700-16.200đ/kg.

Hồng Vũ