Giá mía nguyên liệu sẽ ổn định trong vụ mới
Vận chuyển mía nguyên liệu về nhà máy. Ảnh: NH. |
Đường thế giới không giảm nhiều như dự báo
Theo DATAGRO, một công ty có 35 năm chuyên về thông tin dữ liệu trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có ngành đường, sự thiếu hụt nguồn đường không ở mức cao như dự báo trước đây, nhờ vào những tín hiệu tích cực từ hoạt động sản xuất đường của các nước không quá “ảm đạm” như dự báo ban đầu.
Vì thế, theo DATAGRO, mức thiếu hụt đường thế giới trong niên vụ 2016-2917 sẽ giảm từ 8,26 triệu tấn xuống còn 6,48 triệu tấn.Cụ thể, tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu đường lớn nhất thế giới, sản lượng đường trong vụ mía 2016-2017 dự kiến vào khoảng 9,64-9,69 triệu tấn, tăng thêm gần1 triệu tấn so với mức 8,69 triệu tấn trong vụ trước.
Tương tự, theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng đường ở Úc sẽ đạt tới 5,1 triệu tấn trong niên vụ 2016-2017, cao hơn 200.000 tấn so với vụ trước do diện tích mía tăng 2,6%. Đây là cơ sở để DATAGRO đưa ra dự báo giảm mức thiếu hụt nguồn đường trong niên vụ 2016-2017 như đề cập ở trên.
Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), dù ngành đường Việt Nam không có nhiều hoạt động thương mại với ngành đường thế giới nhưng luôn ảnh hưởng bởi giá đường thế giới theo hướng tỷ lệ thuận, nghĩa là giá đường thế giới tăng thì giá đường trong nước tăng theo, kéo theo giá mía nguyên liệu cũng tăng lên.
Hiện giá đường trắng trên thị trường Luân Đôn, Anh, giao kỳ hạn tháng 12-2016 là 574,4 đô la Mỹ/tấn, tương đương khoảng 13 triệu đồng/tấn. Giá đường thô New York, Mỹ giao kỳ hạn tháng 3-2017 là 479 đô la Mỹ/tấn. Như vậy, nhìn chung giá đường trên thị trường thế giới những tháng tới đây vẫn ở mức ổn định.
Giá sẽ cao hơn vụ trước
Theo VSSA, tính đến thời điểm này có 5 nhà máy mía đường ở ĐBSCL và một ở miền Đông Nam bộ đi vào hoạt động, tức là chỉ có 6/41 nhà máy đi vào vụ ép mía 2016-2017; còn lại phải vào đầu tháng 11 mới có thêm nhiều nhà máy hoạt động. Đây cũng là thời điểm các công ty mía đường thống nhất giá thu mua mía nguyên liệu với các hộ nông dân.
Ông Văn Hùng cho biết, gia đình ông có 40 héc ta trồng mía ở xã Mỏ Công, Tân Biên, Tây Ninh. Năm trước, giá mía trên thị trường ở mức 15.000 đồng/kg, gia đình ông ký hợp đồng với giá 900.000 đồng/tấn. “Tuần tới nông dân chúng tôi sẽ có buổi gặp mặt với phía nhà máy để thống nhất giá bán trước khi vào vụ mía mới. Chúng tôi hy vọng giá bán không thấp hơn vụ trước”, ông Hùng chia sẻ qua điện thoại.
Ông Nguyễn Hồng Quân, hiện có 20 héc ta trồng mía ở Tân Phú, Tân Biên, Tây Ninh cho biết hợp đồng trước ký với nhà máy đường có giá mua mía nguyên liệu là 900.000 đồng/tấn. Ông cùng một số hộ nông dân đã liên lạc với công ty đường đang hợp tác tại Tây Ninh, và được đại diện công ty cam kết thu mua toàn bộ 100% sản lượng mía trong vụ này, với mức giá không thấp hơn niên vụ trước.
VSSA thừa nhận, vào đầu vụ mía, giá mía tăng nên đã có một số trường hợp nông dân chần chừ trong việc ký hợp đồng với nhà máy với kỳ vọng có được mức giá cao hơn. Tuy nhiên, đến nay hiện tượng này đã được giải quyết và VSSA dự báo giá mía nguyên liệu vụ 2016-2017 sẽ cao hơn vụ mía trước.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Hải cho biết, trong những năm qua, nhằm ổn định giá mua mía nguyên liệu của các nhà máy với nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra quy định, một tấn mía nguyên liệu sẽ được các nhà máy mua với giá tương đương 60kg đường bán ra tại nhà máy. Hiện tại, giá đường bán ra tại các nhà máy dao động trong khoảng 16.900-17.300 đồng/kg. Và như vậy, theo công thức tính trên giá mua mía nguyên liệu của các nhà máy cũng dao động trong khoảng trên 1.000.000 đồng/tấn.
Hiện giá mía nguyên liệu đang được các nhà máy đường Phụng Hiệp, Vị Thanh mua tại ruộng là 1.040.000 đồng/tấn, cao hơn so với mức 1.000.000 đồng/tấn tại các nhà máy ở khu vực ĐBSCL.