Giá lúa gạo hôm nay 30/6: Một số giống lúa tiếp tục điều chỉnh 100 kg/đồng
Giá lúa gạo hôm nay
Tại An Giang, giá lúa hôm nay (30/6) biến động 100 đồng/kg tại một số giống lúa được khảo sát. Theo đó, OM 18 tăng 100 đồng/kg lên mức 5.900 - 6.000 đồng/kg. Trái lại, OM 5451 giảm 100 đồng/kg xuống còn 5.900 - 6.000 đồng/kg đồng/kg trong hôm nay.
Trong khi đó, các giống lúa khác tiếp tục đi ngang trong phiên giao dịch vào thứ Năm này. Theo đó, lúa IR 50404 (khô) thu mua với giá là 6.500 đồng/kg, Đài Thơm 8 có giá là 6.000 - 6.200 đồng/kg, lúa IR 50404 (tươi) neo tại mốc 5.500 - 5.650 đồng/kg, Nàng Nhen (khô) đi ngang với giá 11.500 - 12.000 đồng/kg, lúa Nhật có giá là 7.000 - 7.500 đồng/kg.
Giá các loại nếp hôm nay không ghi nhận thay đổi mới. Cụ thể, nếp Long An (khô) có giá là 7.600 đồng/kg, nếp ruột neo trong khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg, nếp AG (tươi) chững lại ở mốc 5.800 đồng/kg và nếp AG (khô) có giá là 7.500 - 7.600 đồng/kg.
Bảng giá lúa gạo hôm nay 30/6 tại tỉnh An Giang. (Nguồn: Sở NN&PTNT An Giang)
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm tăng trở lại. Hiện giá gạo NL IR 504 ở mức 8.400 - 8.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; gạo thành phẩm 8.800 – 8.900 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá cũng tăng trở lại. Hiện giá tấm IR 504 đứng ở mức 8.650 – 8.750 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; cám khô giữ ở mức 9.050 – 9.150 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg.
Giá gạo bán lẻ tại chợ An Giang duy trì xu hướng đi ngang từ đầu tuần. Giá gạo thường hiện neo tại mốc 11.500 - 12.500 đồng/kg, gạo Nàng Nhen đi ngang với giá 20.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài dao động trong khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo Sóc thường giữ mức 14.000 đồng/kg và gạo Nhật chững lại tại mốc 20.000 đồng/kg và cám với giá là 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp
Hiện nay, toàn tỉnh có 180 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó, có 177 HTX đang hoạt động, 3 HTX đang làm thủ tục giải thể. Trong năm 2021, có 166/180 HTX tổ chức tổng kết hoạt động kinh doanh với tổng doanh thu là 243,8 tỷ đồng, theo báo Đồng Tháp.
Theo đó, có 160 HTX hoạt động kinh doanh có lợi nhuận với tổng lợi nhuận trên 23,3 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân 145 triệu đồng/HTX. Qua đánh giá xếp loại, có 19 HTX đạt loại tốt, chiếm 10,5%; loại khá có 67 HTX, chiếm 37%; loại trung bình có 76 HTX, chiếm 42%; loại yếu 4 HTX, chiếm 22%.
Theo ngành nông nghiệp, hiện nay, số lượng thành viên hội đồng quản trị HTX nông nghiệp đang hoạt động là 739 người. Trong đó, có 146 người có trình độ đại học, cao đẳng, chiếm 19,7%; 108 người có trình độ trung cấp, chiếm 14,1%. Đối với cán bộ chuyên môn ở các HTX là 387 người, với 157 người có trình độ đại học, cao đẳng, chiếm 40%; trình độ trung cấp có 62 người, chiếm 16%.
Theo Sở NN&PTNT, khó khăn, hạn chế trong hoạt động phát triển HTX nông nghiệp hiện nay là các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác còn chồng chéo, thiếu đồng bộ. Mặt khác, năng lực hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn còn hạn chế, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; HTX nông nghiệp còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa mạnh dạn mở rộng hình thức kinh doanh theo hướng đa dịch vụ; cán bộ còn yếu về năng lực chuyên môn...
Từ những thực tế đó, đến cuối năm 2022, ngành nông nghiệp phối hợp với địa phương vận động tuyên truyền thành lập mới 8 HTX nông nghiệp. Đồng thời tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ quản lý HTX; theo dõi, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các HTX, tổ hợp tác và Hội quán để đề xuất UBND tỉnh, các bộ, ngành Trung ương xem xét tháo gỡ.
Trên tinh thần đó, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thống nhất nhận thức trong hệ thống chính trị, Nhân dân về nguyên tắc, bản chất và giá trị của HTX. Từ đó, cán bộ, đảng viên, cơ quan quản lý các cấp quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ HTX phát triển; người dân hiểu rõ bản chất HTX kiểu mới để tự nguyện tham gia, xây dựng HTX.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế hợp tác, ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh.
Đồng thời tạo điều kiện cho các HTX thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới; triển khai đầy đủ và kịp thời các chính sách, đề án, dự án hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, HTX. Bên cạnh đó, huy động, lồng ghép các nguồn vốn, tạo điều kiện cho các HTX tham gia các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương...