Giá khí đốt giảm mạnh có thể gây đứt gãy nguồn cung, châu Âu sẽ không gặp may như mùa đông trước
Đổi chiều ngoạn mục
Đầu tháng 2, giá khí đốt tự nhiên tại Mỹ đã giảm xuống dưới 3 USD/mmBtu lần đầu tiên sau gần hai năm. Các nhà phân tích cho rằng giá sẽ duy trì dưới mức 3 USD cho đến ít nhất là giữa năm.
Giá khí đốt đi xuống đã buộc các nhà khai thác phải thu hẹp kế hoạch sản xuất, ngay thời điểm châu Âu bắt đầu chuẩn bị để lấp đầy kho dự trữ vào mùa hè và nhu cầu dự kiến sẽ bật tăng.
Kể từ đầu năm nay, giá khí đốt tự nhiên của Mỹ đã sụt khoảng 46%. Số lượng giàn khoan ở các khu vực giàu khí đốt từng tăng 48% trong nửa đầu năm 2022 nhưng hiện xu hướng này đã sắp đảo ngược.
Các nhà cung cấp dịch vụ giàn khoan cảnh báo họ sẽ chuyển thiết bị ra khỏi các mỏ khai thác khí đốt, Reuters dẫn lời của hai công ty Liberty Energy và Helmerich & Payne đưa tin.
Số lượng giàn khoan tại Mỹ tăng đột biến vào năm ngoái là điều dễ hiểu, bởi khi đó châu Âu đang rất cần khí hoá lỏng (LNG) của Mỹ để thay thế nguồn cung khí tự nhiên của Nga.
Trung bình cả năm 2022, giá khí đốt tại Mỹ đạt khoảng 5,46 USD/mmBtu. Theo Reuters, đây là mức giá cao nhất của mặt hàng này trong hơn 10 năm qua. Do vậy, các nhà khai thác đã vội vã mở rộng sản xuất.
Song, mùa đông ấm áp hơn thường lệ đã giúp cho châu Âu. Khi các kho chứa đầy ắp khí đốt và nhu cầu thấp hơn mức trung bình theo mùa, châu Âu đã ngừng nhập khẩu thêm LNG của Mỹ.
Mùa đông tại chính nước Mỹ nhìn chung cũng ấm áp, khiến nhu cầu trong nước cũng đi xuống. Vì vậy, giá khí đốt đã quay đầu giảm. Tuy nhiên, điều này có thể gây rắc rối cho tương lai.
Tại sao đáng ngại?
Tại châu Âu, giá khí đốt vẫn biến động mạnh và hiện vẫn cao hơn nhiều so với giai đoạn trước năm 2022, tức trước khi Nga tấn công Ukraine. Đầu tháng này, sau một đợt sụt giảm đáng kể, giá khí đốt đã một lần nữa đi lên do dự báo về một đợt lạnh giá trên khắp lục địa già.
Ở châu Á, nhu cầu đang có dấu hiệu phục hồi, chủ yếu là nhờ giá khí đốt hạ nhiệt. Ngoài ra, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau ba năm phong toả, nhu cầu dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa.
Dù vậy, nhu cầu ở châu Á có thể không đủ sức để kéo giá khí đốt lên mức cao của năm ngoái vì nhu cầu ở châu Âu vẫn còn ảm đạm, oilprice.com lưu ý.
Lục địa già bước qua mùa đông vừa qua với lượng khí dự trữ cao hơn bình thường, nhờ thời tiết ấm áp hơn. Điều này đồng nghĩa rằng vào mùa xuân và mùa hè, châu Âu sẽ không cần mua nhiều khí đốt để bổ sung kho dự trữ.
Theo Morgan Stanley, dự trữ khí đốt của châu Âu hiện tại cho thấy nguy cơ thiếu hụt vào mùa đông tới sẽ thấp hơn so với dự đoán trước đây.
Bloomberg dẫn lời các nhà phân tích của ngân hàng này cho rằng châu Âu thậm chí sẽ có đủ khí đốt để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung từ Nga và đảm bảo đủ năng lượng cho mùa đông 2023 - 2024.
Morgan Stanley cho biết nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu vào mùa hè này sẽ thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 18 tỷ mét khối và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ có khoảng 29 tỷ mét khối trong kho dự trữ vào cuối tháng 3 tới.
Trong khi triển vọng của châu Âu tươi sáng hơn thì các dữ kiện trên cho thấy giá khí đốt của Mỹ sẽ duy trì ở mức thấp hơn trong thời gian dài hơn và thông thường khi giá đi xuống thì sản lượng cũng giảm.
Và nếu năm nay châu Âu không gặp may về thời tiết như năm ngoái, giá khí đốt có thể tăng trở lại, vì ngay cả các nhà khai thác nhanh nhạy nhất của Mỹ cũng không thể thích ứng với sự thay đổi nhu cầu mạnh mẽ chỉ trong thời gian ngắn.
Các dự báo về sản lượng khí đốt của Mỹ đã được điều chỉnh đáng kể. Nền tảng dữ liệu Enverus cho rằng sản lượng sẽ tăng khoảng 1,7 tỷ feet khối mỗi ngày trong năm nay, giảm so với mức dự báo 3 tỷ feet khối trước đó.
Dù dự báo sản lượng sẽ đi lên nhờ nhu cầu của châu Âu, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tin rằng giá khí đốt tự nhiên tại nước này sẽ giảm xuống thấp hơn trong năm 2023. Giá cả nhiều khả năng sẽ tác động đáng kể đến sản lượng.