Giá heo hơi dự báo tiếp tục tăng vào cuối năm nhưng không quá cao như Trung Quốc
Lượng heo giảm do dịch bệnh thấp hơn so với kịch bản
Tại buổi họp báo thường kì qúi III diễn ra chiều ngày 14/10, ông Lê Văn Thành, Chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết do chịu ảnh hưởng lớn của bệnh dịch tả heo châu Phi dẫn đến sản lượng thịt heo giảm 8% so với tổng sản lượng trong năm 2019 tương đương 5,5 triệu con, giá trị sản xuất giảm 0,6%.
Họp báo thường kì qúi III Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ảnh: ĐQ
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, cho biết vừa qua Cục đã yêu cầu các địa phương gửi báo cáo thống kê số lượng đầu heo.
Tính đến ngày 31/8, đã có 56 tỉnh gửi báo cáo với tổng đầu heo đạt 22 triệu con trong đó còn 2,7 triệu con nái và 110 con cụ kị.
"Như vậy, còn 7 tỉnh nữa chưa gửi báo cáo. Chúng tôi ước tính tổng đàn heo cả nước đạt khoảng 24 - 25 triệu con. Do vậy, ngành chăn nuôi hoàn toàn chủ động được nguồn cung cho dịp Tết", ông Trọng cho biết.
Ông Trọng nhấn mạnh đàn heo giảm thấp hơn so với kịch bản.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, thời gian qua Bộ đã có những động thái quyết liệt để phòng chống dịch tả heo châu Phi trong đó có 60 văn bản chỉ đạo.
"Với mật độ chăn nuôi dày đặc kèm theo khí hậu nóng ẩm, nếu không quyết liệt ngay từ đầu, chắc chắn ngành chăn nuôi heo không đạt được kết quả như bây giờ. Hiện nay, Việt Nam có 30 vùng an toàn dịch bệnh", Thứ trưởng nhận định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết dịch bệnh có xu hướng giảm trong 4 tháng qua.
Bộ đang thúc đẩy việc chuyển đổi, gia tăng sản xuất chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn, thủy sản... để đáp ứng thực phẩm thay thế thịt heo.
Kết quả là sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng, như thịt trâu đạt 70.500 tấn, tăng 3,1%; thịt bò đạt 264.900 tấn, tăng 4,2%; thịt gia cầm đạt 931.400 tấn, tăng 13,5%,...
Ông Thành cho biết trong thời gia tới Bộ chỉ đạo đẩy nhanh qui mô sản xuất và tăng trưởng chăn nuôi gia cầm và gia súc ăn cỏ.
Đồng thời, Bộ tiếp tục theo dõi, bám sát cung, cầu sản phẩm chăn nuôi, chỉ đạo sát phương án sản xuất kinh doanh bảo đảm đủ nguồn cung cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhất là trong dịp Tết.
Bộ sẽ hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức xây dựng và thực hiện các đề án về chuỗi sản xuất thịt heo, thịt gà an toàn dịch bệnh và triển khai giải pháp nhằm hạn chế tăng giá thức ăn chăn nuôi, giá nguyên liệu vật tư đầu vào cho sản xuất.
Chưa thống kê được lượng heo xuất khẩu qua đường mòn lối mở sang Trung Quốc
Liên quan đến vấn đề giá heo hơi tăng mạnh và thông tin có hiện tượng xuất khẩu thịt heo qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, ông Trọng cho biết giá heo hơi miền Bắc đã đạt 63.000 ở một số tỉnh như Bắc Giang, Vĩnh Phúc.
Hai thủ phủ thịt heo như Đồng Nai, Hà Nội giá đạt 59.000 - 62.000 đồng/kg.
"Giá heo hơi từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, sẽ không quá cao giống như Trung Quốc", ông Trọng nhận định.
Dữ liệu tổng hợp trên trang zhujiage, giá heo hơi tại Trung Quốc ngày 14/10 tăng 0,54 nhân dân tệ/kg lên 35,49 nhân dân tệ/kg (khoảng 116.725,38 đồng/kg), dù tốc độ tăng đã chậm lại và đang có dấu hiệu thu hẹp.
Biên độ tăng của giá heo hơi dao động trong khoảng 0,35 - 0,6 nhân dân tệ/kg, và vẫn chưa có tỉnh, thành nào báo giảm giá.
Giá heo hơi cao nhất cả nước được ghi nhận tại Phúc Kiến, trung bình đạt 37,14 nhân dân tệ/kg (khoảng 122.266,81 đồng/kg); mức giá thấp nhất vẫn tại Thanh Hải, trung bình vẫn ở mức 13 nhân dân tệ/kg (tương đương 42.531,43 đồng/kg).
"Một số tỉnh cho biết không thể xuất khẩu thịt heo qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc do nước bạn làm rất chặt. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu qua các đường mòn lối mở xuất khẩu sang Trung Quốc chúng tôi vẫn chưa thống kê được", ông Trọng cho hay.