Giá heo hơi dự báo tăng, Bộ NN&PTNT đưa ra loạt giải pháp nuôi heo sau dịch
Nguồn cung thịt heo không còn nhiều
Trong báo cáo thị trường nông sản mới nhất, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá heo hơi tăng 2.000 – 6.000 đồng/kg tại miền Bắc do nguồn cung thịt heo không còn dồi dào bởi ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi.
Tính chung toàn vùng, giá heo hơi dao động trong khoảng 36.000 - 45.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá heo hơi tại miền Trung giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống 30.000 - 41.000 đồng/kg.
Tương tự, giá heo hơi tại miền Nam giảm 3.000 – 5.000 đồng/kg xuống 28.000 - 31.000 đồng/kg do nhu cầu tiêu thụ ở mức thấp.
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự báo, giá heo hơi thời gian tới sẽ tăng do nguồn cung thịt heo không còn nhiều.
Loạt biện pháp nuôi heo sau dịch
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa đưa ra khuyến cáo các địa phương, nông hộ, cơ sở chăn nuôi... một số biện pháp kĩ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi heo để phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi.
Ảnh minh họa. Nguồn: Thuongtruong.com.vn
Theo đó, đối với chăn nuôi nông hộ cần kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi; chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh.
Các hộ chăn nuôi cần có lưới bao xung quanh chuồng nuôi và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian khác truyền bệnh (chuột, chim, ruồi, muỗi…).
Bộ NN&PTN khuyến cáo cần lối ra, vào chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng, thay bảo hộ lao động cho người ra, vào khu vực chăn nuôi. Bên cạnh đó nên có ô chuồng nuôi cách li: nuôi heo mới nhập hoặc nuôi heo bị bệnh, có khu vực thu gom và xử lí chất thải.
Các hộ chăn nuôi nông hộ, nếu có điều kiện thì nuôi theo phương pháp cách ô (mỗi ô chuồng có khoảng trống 0,8-1m) để giảm thiểu heo giữa các ô chuồng tiếp xúc với nhau; đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lí chất thải đảm bảo kín...
Đối với con giống, heo nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh. Cụ thể, với heo nhập từ ngoài tỉnh phải có giấy kiểm dịch. Trước khi nhập đàn, nuôi cách li ít nhất 2 tuần.
Về thức ăn chăn nuôi, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các nông hộ sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, không bị hỏng, mốc và còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng và an toàn.
Trường hợp sử dụng thức ăn tận dụng phải được xử lí nhiệt trước khi cho ăn. Không sử dụng thức ăn thừa trong máng ăn của đàn heo đã xuất chuồng và thức ăn của đàn heo đã bị dịch bệnh cho đàn heo mới.
Nguồn nước cho chăn nuôi heo phải đảm bảo an toàn. Và nên bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa, sức đề kháng cho heo.
Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa heo vào nuôi. Trong trường hợp chuồng bị dịch, nếu tái đàn nên để trống chuồng ít nhất 30 ngày và được sự đồng ý của chính quyền địa phương...
Đối với chăn nuôi trang trại, Bộ NN&PTNT khuyến cáo cần có hồ sơ theo dõi đàn heo về dịch bệnh, nguyên nhân phát sinh, các loại thuốc phòng và điều trị. Lập kế hoạch phòng trừ dịch bệnh cho đàn heo. Có quy trình phòng bệnh phù hợp cho các đối tượng heo và thực hiện đúng quy trình.
Trang trại chăn nuôi heo phải lập sổ, ghi chép theo dõi và lưu trữ các thông tin trong quá trình chăn nuôi. Chủ trang trại phải tổ chức kiểm tra việc thực hiện an toàn sinh học định kỳ...
Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cũng cần sử dụng chế phẩm sinh học trong thức ăn cho heo. Cụ thể, ở giai đoạn 1 (heo có khối lượng dưới 20 kg) thì cơ sở chăn nuôi nên sử dụng thức ăn công nghiệp mua từ những cơ sở sản xuất có uy tín, đảm bảo chất lượng và an toàn.
Bổ sung chế phẩm vi sinh theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Giai đoạn 2 (heo có khối lượng từ 20kg trở lên) có thể sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh hoặc thức ăn tự phối trộn.
Thức ăn tự phối trộn từ những nguyên liệu thông dụng, sẵn có tại địa phương, không nên sử dụng nguyên liệu thức ăn có nguồn gốc động vật (ngoại trừ bột cá).
Trước khi chế biến, cơ sở cần lập công thức thức ăn (khẩu phần cơ sở) theo từng giai đoạn sinh trưởng đảm bảo đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho heo...