|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá heo hơi có thể tăng lên 60.000 đồng/kg khi học sinh đi học trở lại, du lịch mở cửa?

17:39 | 07/04/2022
Chia sẻ
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết giá heo hơi trong quý II có thể tăng lên 60.000 đồng/kg nếu nguồn cung giảm, nhu cầu tiêu thụ dần phục hồi. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn khó có lãi vì giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã.

Khoảng một tuần trở lại đây, giá heo hơi có xu hướng nhích lên 1.000 – 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 3.

Với tín hiệu này, người chăn nuôi đang kỳ vọng một chu kỳ tăng giá sau khi Việt Nam chính thức mở cửa du lịch vào ngày 15/3 và việc học sinh, sinh viên đang đi học trở lại, các bếp ăn công nghiệp tăng công suất.

(Số liệu tổng hợp, Biểu đồ: Phạm Mơ) 

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết mở cửa du lịch và các bếp ăn công nghiệp phục hồi chỉ là một yếu tố nhỏ trong những động lực tạo sức bật cho giá heo. 

"Giá heo trong quý II sẽ chỉ có thể dao động quanh 60.000 đồng/kg vì dù nhà hàng, trường học, bếp ăn công nghiệp hoạt động trở lại nhưng sẽ chưa ổn định, lực cầu vẫn khó tăng đột biến.

Ngoài ra, dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng, họ vẫn dè dặt với các hoạt động ăn uống ngoài gia đình nên lượng tiêu thụ thịt vẫn khó tăng nhanh", ông Đoán nói.

Theo đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tổng cung – tổng cầu mới là thứ quyết định giá cả. Hiện nay, mỗi ngày Đồng Nai cung cấp cho chợ đầu mối Tân Xuân (TP HCM) khoảng 4.000 con heo, tuy nhiên nguồn cung này vẫn đang vượt cầu khoảng 5-10%. Do vậy sau Tết Nguyên đán, giá heo vẫn lưng chừng ở mức 50.000 – 55.000 đồng/kg.

“Hơn một năm vừa qua, người chăn nuôi gần như thua lỗ, có lúc lỗ vì giá heo giảm, giá thức ăn chăn nuôi tăng, có lúc lỗ vì dịch bệnh.

Tại Đồng Nai, 70 – 80% người chăn nuôi nông hộ đã giảm đàn và hạn chế nuôi lại, điều này có thể khiến nguồn cung thịt heo sẽ giảm, từ đó giá heo mới có thể tăng trong thời gian tới ”, ông Đoán nói.

Ở một khía cạnh khác, khi giá thức chăn ăn chăn nuôi tăng 11 đợt, các doanh nghiệp lớn sẽ nâng giá bán để cân bằng với giá thành sản xuất.

Dù giá heo có tín hiệu tăng nhưng doanh nghiệp và người chăn nuôi sẽ tiếp tục phải cân não với bài toán cân bằng chi phí sản xuất khi giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 11 đợt kể từ cuối năm 2020.

Theo Cục Chăn nuôi, căng thẳng Nga – Ukraine khiến giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, đặc biệt là nhóm hàng ngũ cốc.

Cụ thể, hiện ngô hạt đang ở mức 10.200 đồng/kg, tăng 29%, khô dầu đậu tương khoảng 16.500 đồng/kg, tăng 33%, DDGS (bã ngô) khoảng 10.300 đồng/kg, tăng 23%, lúa mì ở mức 9.850 đồng/kg, tăng gần 50%.

Ngoài ra, giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8 với ngô khoảng 11.000 đồng/kg, khô dầu đậu tương trên 17.000 đồng/kg.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao cho đến hết năm 2022.

Do giá nguyên liệu tăng mạnh nên giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở thị trường trong nước cũng tăng theo. So với tháng 3/2021, giá thức ăn cho heo thịt xuất chuồng 12.500 đồng/kg, tăng 18 - 22%.

"Dù giá heo giống đã hạ xuống khá hợp lý, từ 2,6 triệu giảm xuống còn 1,2 triệu/con nhưng giá thức ăn thành phẩm phi mã đã làm cho lợi nhuận người chăn nuôi heo giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ.

Bởi thực tế, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi, giống chiếm tỷ trọng nhỏ hơn", ông Chinh cho biết.

Ông Đoán cho rằng sau 11 đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi, hiện giá thành sản xuất đang dao động 60.000 đồng/kg, điều này có nghĩa người chăn nuôi đang lỗ khoảng 7.000 - 10.000 đồng/kg.

Cùng quan điểm, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An cho biết hiện nay cứ 100 kg heo hơi xuất chuồng, nông dân lỗ 300.000 – 500.000 đồng, chăn nuôi nông hộ đang ngày càng thu hẹp lại.

Phạm Mơ