|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá gỗ nhập khẩu phi mã, chuyên gia khuyến nghị tăng diện tích rừng FSC

07:53 | 23/04/2022
Chia sẻ
Cước vận tải biển và căng thẳng Nga - Ukraine đã đẩy giá gỗ nguyên liệu phi mã, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Để giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài, chủ động nguồn nguyên liệu trong lai, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần gia tăng diện tích trồng rừng có các chứng chỉ bền vững.

Tại “Hội nghị Phát triển vùng nguyên liệu Gỗ phục vụ ngành công nghiệp, chế biến xuất khẩu”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết trong thời gian vừa qua ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang trải qua những biến động rất lớn.

Đại dịch COVID-19 và xung đột giữa Nga - Ukraine làm cho cước vận chuyển tăng phi mã, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I, giá gỗ thông tròn nhập khẩu đã tăng 52%, gỗ thông xẻ nhập khẩu tăng 38%, gỗ sồi xẻ tăng 36%. Bên cạnh đó, thời gian nhập khẩu kéo dài dẫn đến các doanh nghiệp phải chậm các hoạt động sản xuất. Các yếu tố này đang trực tiếp làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành.

Do vậy, bài toán với ngành gỗ lúc này là làm thế nào Việt Nam để chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào chất lượng, đa dạng chủng loại, tiến tới thay thế lượng gỗ nhập khẩu lên tới 5-6 triệu m3 mỗi năm như hiện nay.

 Tỷ lệ rừng trồng của Việt Nam đạt các chứng chỉ bền vững còn ở mức thấp. (Ảnh: Báo Dân Trí)

Thực tế, các doanh nghiệp trong ngành tham gia trực tiếp vào chuỗi cung trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ, điển hình như mô hình của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Woodsland, Nafoco, Scancia Pacific đều đã có những diện tích rừng đạt chứng chỉ FSC (lâm sản được xác minh trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ nguồn gốc đến điểm đến cuối cùng).

Tuy nhiên, việc trồng rừng gỗ lớn, đặc biệt là trồng rừng có chứng chỉ bền vững FSC thì thấy còn nhiều hạn chế.

Theo thống kê của nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ và Forest Trends, tính đến hết tháng 3, tổng diện tích rừng trồng là rừng sản xuất có chứng chỉ FSC của Việt Nam đạt gần 180.000 ha, tương đương khoảng 5% trong tổng số diện tích rừng sản xuất của Việt Nam.

Nếu tính cả diện tích rừng đạt chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS/PEFC) với khoảng 50.000 ha thì tổng diện tích rừng có chứng chỉ bền vững mới chỉ chiếm dưới 7% tổng diện tích rừng sản xuất.

Bên cạnh đó, tỷ trọng gỗ rừng trồng đi vào chế biến đồ gỗ của thấp, chỉ chiếm 30-40% trong tổng lượng gỗ khai thác. Phần còn lại 60-70% đi vào dăm và viên nén.  Năng suất rừng trồng tới nay cũng còn rất hạn chế. Nhiều diện tích mới chỉ đạt 10-15 m3/ha/năm, thấp hơn nhiều so với tiềm năng.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của tổ chức Forest Trends cho rằng hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong việc phát triển gỗ rừng trồng, bao gồm rào cản về đất đai, kỹ thuật, thị trường và thể chế.

Để phát triển các diện tích rừng trồng có chất lượng cần tối đa hóa nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực của địa phương và các công ty liên kết. Điều này cũng đòi hỏi chính quyền tạo môi trường đầu tư lành mạnh, giúp cho việc hình thành liên kết dễ dàng hơn trong tương lai.

Hoàng Anh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.