|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá gas ngày 18/4, thị trường tiếp tục tăng trên 1%

11:06 | 18/04/2024
Chia sẻ
Giá gas hôm nay (18/4) leo dốc hơn 1%. Tại châu Âu, giá khí đốt bán buôn ở gần mức cao nhất kể từ tháng 1, do thị trường theo dõi chặt chẽ khả năng gián đoạn nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Xem thêm: Giá gas ngày 19/4 tăng nhanh ngày thứ ba liên tiếp

Giá gas thế giới hôm nay

Giá gas hôm nay (18/4) tăng 1,1%, lên mức 1,74 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 5/2024 vào lúc 11h (giờ Việt Nam).

 

Reuters đưa tin, giá khí đốt bán buôn của Hà Lan và Anh giảm vào phiên giao dịch hôm thứ Tư (17/4) nhưng vẫn ở gần mức cao nhất kể từ tháng 1, do thị trường theo dõi chặt chẽ khả năng gián đoạn nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Ông Daniel Hynes, Chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại Ngân hàng ANZ cho biết, mối đe dọa mới đối với nguồn cung do căng thẳng gia tăng ở Trung Đông là nguyên nhân chính khiến giá khí đốt trên toàn cầu tăng trong tuần qua.

“Các thương nhân rất muốn mua bất kỳ hàng hóa nào có sẵn trong bối cảnh có mối đe dọa đối với các tàu chở dầu LNG đi qua eo biển Hormuz”, ông Hynes chia sẻ.

Theo công ty phân tích Rystad Energy, eo biển Hormuz là điểm nghẽn quan trọng trong việc giao hàng từ Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), cung cấp 11,7% lượng LNG nhập khẩu của châu Âu và 24,4% lượng LNG nhập khẩu của châu Á.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã bắt giữ một tàu container ở eo biển này vào ngày 13/4 sau khi Tehran tuyên bố sẽ trả đũa cuộc tấn công bị nghi ngờ của Israel nhằm vào lãnh sự quán của họ ở Damascus vào ngày 1/4. Iran cho biết họ có thể đóng cửa tuyến đường vận chuyển quan trọng.

Ông Lu Ming Pang, Nhà phân tích cấp cao của Rystad, cho biết, một cuộc xung đột rộng hơn ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại qua eo biển Hormuz có thể khiến 82,4 triệu tấn hoặc 112 tỷ mét khối LNG bị loại bỏ khỏi nguồn cung toàn cầu.

“Trong trường hợp khó xảy ra, giá có thể vượt quá 100 USD/mmBTU trong một thị trường vốn đã thắt chặt do xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra, tăng so với mức hiện tại tương đương chỉ dưới 11 USD/mmBTU”, nhà phân tích trên cho hay.

Giá châu Âu lần cuối được giao dịch ở mức tương đương 100 USD/mmBTU vào tháng 8/2022 trong cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Ông Pang cũng thông tin rằng, giá khí đốt và LNG toàn cầu tăng trong tháng này là do nhu cầu của Nhật Bản tăng, sự gián đoạn nguồn cung ở Mỹ và một số gián đoạn đối với nguồn cung cấp đường ống của Na Uy sang châu Âu.

Ảnh: Lạc Yên

Giá gas trong nước

Ngày 1/4, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Năng lượng TP HCM cho biết, từ hôm nay giá gas City Petro, Vina Pacific Petro, Vimexco giảm 5.000 đồng/bình 12kg và 21.000 đồng/bình 50kg.

Theo đó, giá gas bán lẻ đến người tiêu dùng không vượt quá 476.000 đồng/bình 12kg và 1.984.500 đồng/bình 50kg.

Trong khi đó, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) cho biết từ 1/4 giá gas Saigon Petro sẽ giảm 4.500 đồng/bình 12kg, giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng không quá 438.500 đồng/bình 12kg.

Gas Perolimex Sài Gòn cũng giảm 5.000 đồng/bình 12kg.

Theo các công ty, do giá gas thế giới tháng 4 chốt 617, 5USD/tấn, giảm 17,5 USD/tấn so với giá tháng trước. Vì vậy, các công ty điều chỉnh giá giảm tương ứng.

Từ đầu năm đến nay, đây là tháng đầu tiên giá gas giảm.

 

Lạc Yên