|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá gạo Việt Nam tiếp tục đi ngang, giá gạo Ấn Độ và Thái Lan đồng loạt tăng

16:33 | 21/04/2017
Chia sẻ
Thị trường gạo Việt Nam ghi nhận tuần thứ hai chững giá; trong khi giá gạo Ấn Độ đã có tuần tăng thứ 4 liên tiếp nhờ rupee tăng giá.

Cụ thể, giá gạo Việt Nam đi ngang so với tuần trước. Thị trường gạo tuần này vẫn rất trầm lắng vì giá không có đủ sức cạnh tranh với gạo Thái Lan hay Ấn Độ.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam xuất tại cảng TP Hồ Chí Minh vẫn giữ ở 350 – 355 USD/tấn trong tuần này. Giá gạo Việt Nam hiện đang nằm ở khoảng giữa so với giá gạo Thái cũ và mới.

“Đối với những khách hàng chú ý nhiều hơn đến giá cả, họ sẽ chọn gạo Thái cũ vì nó rẻ hơn; nhưng đối với khách hàng mua vì chất lượng, họ sẽ chọn gạo Thái mới vì loại gạo này chất lượng hơn mà giá chỉ cao hơn một chút so với gạo Việt,” một thương lái ở TP Hồ Chí Minh cho biết.

Giới thương lái dự báo, xuất khẩu gạo tháng 4 của Việt Nam sẽ giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới.

gia gao viet nam tiep tuc di ngang gia gao an do va thai lan dong loat tang
Giá gạo Việt Nam đi ngang vì nhu cầu suy yếu. (Ảnh: Reuters).

Ngược lại, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng 4 tuần liên tiếp tính đến tuần này.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tăng thêm 2 USD lên 384 – 389 USD/tấn trong tuần này, vì giá thóc và đồng rupee vẫn trên đà tăng mạnh.

“Giá thóc nội địa vẫn tăng ổn định. Đồng rupee cũng tăng giá. Hai yếu tố này là nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng giá,” đại diện của một doanh nghiệp xuất khẩu ở bang Andhra Pradesh cho biết.

Kể từ đầu năm đến nay, đồng rupee đã tăng 5,2% và hiện đang giao dịch ở sát ngưỡng cao nhất 20 tháng. Rupee tăng giá sẽ kéo giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu tại Ấn Độ.

“Người mua ở châu Phi đang chuyển hướng sang Việt Nam và Thái Lan vì giá gạo Ấn Độ liên tiếp tăng trong thời gian gần đây. Chúng tôi đang mất dần thị phần,” một doanh nghiệp xuất khẩu khác cho hay.

Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chủ yếu xuất khẩu loại gạo basmati chất lượng cao sang Trung Đông và các loại gạo khác sang châu Phi.

Tương tự, tại Thái Lan, giá gạo bật tăng sau đợt nghỉ lễ Songkran vì nguồn cung bị thắt chặt.

Theo đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan xuất tại cảng Bangkok tăng lên 360 – 375 USD/tấn, từ mức 350 – 365 USD/tấn của tuần trước.

“Nguồn cung gạo mới đang dần cạn kiệt trong khi chúng tôi dự đoán nông dân sẽ thất thu trong vụ lúa tới đây,” một thương lái tại Bangkok nói.

Cũng theo một thương lái khác, việc chính phủ Thái Lan khuyến khích các nhà máy mua thêm gạo để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung khi thị trường vào vụ thu hoạch mới cũng là động lực đẩy giá gạo lên cao.

Ngày 20/4, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, nước này đã xuất khẩu hơn 3,48 triệu tấn gạo kể từ đầu năm đến ngày 18/4, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu gạo theo đó đạt hơn 51 tỷ baht (1,49 tỷ USD).

Trước đó trong ngày 19/4, Bộ Thương mại Thái Lan tuyên bố sẽ bán 1,62 triệu tấn gạo trong kho dự trữ quốc gia để phục vụ mục đích công nghiệp, với mức giá là 231 triệu USD.

Bộ cũng dự kiến sẽ bán 1,03 triệu tấn gạo hỏng và kém chất lượng trong một phiên đấu giá khác vào ngày 28/4 tới.

Kể từ khi quân đội lên nắm quyền kiểm soát quốc gia vào năm 2014, chính phủ Thái Lan đã giải phóng được hơn 12 triệu tấn gạo vốn được thu mua từ chương trình trợ cấp gạo trước đó.

Nếu bán đấu giá thành công, kho dự trữ gạo của Thái Lan sẽ còn khoảng 5 triệu tấn gạo, trong đó gồm 1,72 triệu tấn gạo có khả năng phục vụ người dân. Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ giải phóng toàn bộ kho gạo trong năm nay.

Kim Dung

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.