Giá điện sản xuất từ bã mía thấp khó thu hút nhà đầu tư
Hiện các chủ nhà máy đường khá thận trọng khi đầu tư vào lĩnh vực này và các chuyên gia cho rằng giá mua điện được sản xuất từ bã mía thấp như hiện nay khó thu hút được nhà đầu tư.
Cuộc cạnh tranh trong ngành mía đường tại Việt Nam nói riêng và việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan theo cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ năm 2018 nói chung khiến ngành mía đường đứng trước nhiều thách thức. Trong khi đó, năng lực sản xuất của ngành mía đường lại chỉ bằng một nửa các quốc gia trong khu vực.
Sản xuất sau đường và cạnh đường để tạo thêm giá trị gia tăng cho các nhà máy đường là chuyện phải tính đến. Như sản xuất năng lượng từ bã mía hay còn gọi là năng lượng đồng phát, năng lượng sinh khối (bã mía và các nguyên liệu rơm rạ…) là một lối ra, dù thực tế triển khai còn nhiều bỡ ngỡ.
Năm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được Cơ quan hợp tác quốc tế Đức, Bộ Công Thương và nhiều bên liên quan đã tiến hành ở các nhà máy đường Phụng Hiệp, xí nghiệp đường Vị Thanh, mía đường Đăk Lăk, Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, Nghệ An nhằm tìm ra các “lối thoát” tối ưu trong quá trình sản xuất, bổ sung doanh thu tại các dự án mía đường mới được công bố hôm 3-10 tại Hà Nội.
Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, hiện nay ngành đường Việt Nam đạt năng suất 63 tấn/ha.
Hiện tại, tổng công suất lắp đặt của các dự án năng lượng dùng bã mía tại 11 nhà máy đường đạt mức 351,6MW. Trong đó mới chỉ có 99,9 MW được nối lưới điện (tính đến đầu năm 2017), với giá mua điện ở mức 5,8 cent Mỹ/kWh (áp dụng cho các dự án sinh khối đồng phát nhiệt điện). Tiềm năng kỹ thuật về sản lượng điện của ngành mía đường ước tính vào khoảng 2,346 triệu MWh, tương đương với lượng điện tiêu thụ hàng năm của 450.000 hộ gia đình Việt Nam theo nghiên cứu của GIZ năm 2017.
Mục tiêu hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) nhằm tăng sản lượng của các nhà máy sản xuất điện từ nguồn sinh khối bằng cách nâng cao hiệu suất. Dự án này muốn khuyến khích các nhà máy sử dụng các phụ phẩm sinh khối thay thế tại thời điểm ngoài vụ ép mía vì vụ ép chỉ kéo dài 180 ngày/năm, tại thời điểm các nhà máy thường dừng hoạt động. Nếu các dự án gia tăng được năng lực và hiệu quà thì khả năng tiếp cận vốn ngân hàng là cao.
Tuy nhiên, ông Doanh cho rằng, vấn đề hiện nay là giá điện đồng phát sinh khối (chỉ áp dụng cho các dự án sản xuất điện từ bã mía tại chỗ) là 5,8 cent Mỹ/kWh (tương đương với 1.220 đồng/kWh) là thấp nếu đem so với điện sinh khối từ các nguồn nguyên liệu rơm rạ, trấu…hiện đã hơn 7 cent Mỹ/kWh.
Ông cho biết, hiện bã mía đang được phía Nhật thu mua đã có giá hơn 500.000 đồng/tấn, còn làm nguồn nguyên liệu để sản xuất phân vi sinh hoặc xuất khẩu như vậy. trong khi giá mua điện thấp không đủ chi phí thì các nhà máy đường sẽ không chịu đầu tư.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng, mức giá 5,8 cent Mỹ/kWh là thấp, chỉ nhỉnh hơn giá mua thủy điện nhỏ một chút nên khó hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, để đa dạng hóa các giá trị gia tăng cho ngành mía đường, nhiều công ty đã mở rộng sản xuất và phát điện sinh khối như Nhà máy KCP (39 MW) tương đương một dự án điện cỡ vừa, Thành Thành Công Gia Lai (34,6MW) hay Nhà máy đường Khánh Hòa (tổng công suất lắp đặt 60 MW) được đầu tư hiện đại phục vụ tại chỗ và bán lên lưới. Nhiều dự án khác cũng đang mở rộng như dự án Sơn Dương, Sơn La…
Việt Nam đạt mục tiêu khiêm tốn, đến năm 2030 có 2% điện được cung cấp từ nguồn điện sinh khối, trong đó có điện từ bã mía. Chỉ tiêu đó hoàn toàn có thể vượt rất sớm nếu giá mua điện của Tập đoàn điện lực tại các dự án này linh hoạt hơn và mức giá mua điện theo quy định của Nhà nước được nâng dần lên trong thời gian tới, đảm bảo cho nhà đầu tư có lãi.