|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Giá dịch vụ cảng biển thấp, DN Việt gặp khó, hãng tàu nước ngoài thu lợi cả tỉ USD

07:11 | 06/08/2020
Chia sẻ
Theo ông Phạm Quốc Long, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam, “giá dịch vụ tại các cảng biển Việt Nam thậm chí còn đang thấp hơn cả cảng sông tại Campuchia”.
Giá dịch vụ cảng biển thấp, DN Việt gặp khó, hãng tàu nước ngoài thu lợi cả tỉ USD - Ảnh 1.

Cuộc họp trực tuyến do Bộ GTVT tổ chức về việc nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng hải và khung giá dịch vụ tại cảng biển. Ảnh: VGP.

Thông tin từ Báo Chính phủ, chiều 4/8, Bộ GTVT đã tổ chức họp trực tuyến nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng hải và khung giá dịch vụ tại cảng biển.

Tại cuộc họp, ông Phạm Quốc Long, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam nhận định, “giá dịch vụ tại các cảng biển Việt Nam thậm chí còn đang thấp hơn cả cảng sông tại Campuchia”.

Lí giải rõ hơn, ông Long cho biết, giá bốc xếp container xuất nhập khẩu tại cảng nước sâu của Việt Nam đang rất thấp.

Mức giá này chỉ bằng 45-80% khi so với những cảng chuyển tải lớn như Hong Kong hay Malaysia, Trung Quốc, Singapore... “thậm chí là so với cảng Phnom Penh của Campuchia, một cảng sông với mức đầu tư không lớn”.

Cụ thể, giá bốc dỡ container xuất nhập khẩu ở Thái Lan là 59 USD/container loại 20 feet, 91 USD/container 40 feet; Singapore là 111 USD/container 20 feet, 159 USD/container 40 feet; Campuchia là 65 USD/container 20 feet, 95 USD/container 40 feet. Còn Việt Nam là từ 33 - 53 USD/container 20 feet và 57 - 98 USD/container 40 feet (tùy theo từng khu vực).

Hiện nay, mức giá tại khu vực I (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định) đang thấp nhất, bằng 72% khu vực II (cảng biển khu vực từ Thanh Hóa, Nghệ An đến Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) và bằng 80% khu vực III (TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu…), bằng 30 - 60% các nước trong khu vực.

Theo các đại biểu dự hội nghị, từ năm 1990, đơn giá bốc xếp mà Bộ Tài chính đưa ra là 57 - 85 USD/container 20 feet. Tại cảng Hải Phòng, những năm 2008 - 2009, giá bốc dỡ container 20 feet là 48 USD. Thực tế, mức giá bốc dỡ container hiện nay đã thấp hơn thế rất nhiều.

Giá dịch vụ cảng biển thấp, DN Việt gặp khó, hãng tàu nước ngoài thu lợi cả tỉ USD - Ảnh 2.

Giá dịch vụ bốc xếp tại cảng biển Việt Nam đang thấp hơn các nước trong khu vực. Ảnh minh hoạ.

Điều chỉnh giá là cần thiết

Trước tình hình nêu trên, các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam đã đề xuất lên Bộ GTVT hai phương án điều chỉnh giá dịch vụ bốc dỡ container đối với cảng biển khu vực I (không bao gồm Lạch Huyện).

Với phương án 1, giá dịch vụ sẽ được điều chỉnh lên 10%, từ 33 USD/cont’ 20 feet, 50 USD/cont’ 40 feet lên 36 USD/cont’ 20 feet, 55 USD/cont’ 40 feet, 63 USD/cont' 40 feet, giá shipside bằng 90% giá CY. Thời gian thực hiện từ 1/1/2021.

Phương án 2 là tiếp tục tăng 10% năm 2022 (40 USD/cont’ 20 feet, 61 USD/cont’ 40 feet, 69 USD/cont trên 40 feet) và 10% năm 2023 (44 USD/cont’ 20 feet, 67 USD/cont’ 40 feet, 76 USD/cont trên 40 feet). Giá shipside bằng 90% giá CY. Phương án tăng 10% giá dịch vụ, DN đề xuất áp dụng cả với khu vực 2 và khu vực 3.

Đối với khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu khu vực Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải, các doanh nghiệp cảng biển cũng đề xuất hai phương án tăng giá.

Trong đó, phương án 1 là tăng 10% giá dịch vụ, từ 52 - 60 USD/cont’ 20 feet lên 57 - 66 USD/cont’ 20 feet; container 40 feet tăng từ khung 77 - 88 USD lên 85 - 97 USD. Container trên 40 feet tăng từ 85 - 98 USD lên 94 - 108 USD. Thời gian áp dụng từ 1/1/2021. 

Phương án 2 là tiếp tục tăng 10% năm 2022 (63 - 73 USD/cont’ 20 feet; container 40 feet 93 - 107 USD. Container trên 40 feet 103 - 119 USD) và 10% năm 2023 (69 - 80 USD/cont’ 20 feet; container 40 feet 102 - 118 USD, container trên 40 feet 113 - 131 USD).

Ông Nguyễn Tường Anh, Tổng giám đốc CTCP Cảng Hải Phòng đề nghị tăng mức giá bốc dỡ container thêm 10% từ năm 2021, sau đó tăng theo lộ trình 2 năm 1 lần.

Nói thêm về việc tăng giá bốc xếp container, ông Phạm Quốc Long, Chi hội Chủ tàu container Việt Nam, cho biết việc tăng giá bốc xếp container không làm tăng tổng chi phí logistics và chỉ số tiêu dùng Việt Nam.

Bởi, hiện nay gần như 100% hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container đi và đến Việt Nam đều do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận. Các hãng tàu hoạt động theo tuyến và lịch tàu cố định ký hợp đồng trả phí bốc xếp cho cảng, họ đang thu khách hàng khoản phụ phí xếp dỡ hàng hóa khoảng 120 USD.

Tại các cảng biển Việt Nam, với qui định giá sàn hiện tại theo Thông tư 54/2018, vì cạnh tranh lẫn nhau, các cảng hầu hết đều đang thu các hãng tàu nước ngoài với giá sàn. Do đó, mỗi năm các hãng tàu đã hưởng phần chênh lệch phí xếp dỡ cả tỉ USD còn doanh nghiệp Việt Nam chịu thiệt.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng tại Thông tư 54/2018, giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam đã tăng nhưng vẫn có khoảng cách khá xa so với giá dịch vụ cảng biển trong khu vực, đặc biệt là Campuchia.

Do đó, việc tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ để bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp là cần thiết.

“Mục tiêu đến năm 2025, giá xếp dỡ container xuất nhập khẩu tại cảng biển Việt Nam cần phải bằng 60 - 70% so với giá xếp dỡ trong khu vực. Đến một thời điểm nào đó sau 2025, phải tiệm cận bằng giá dịch vụ trong khu vực, ít nhất bằng Campuchia”, ông nói.

Thu Thảo

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.