Giá dầu thô có thể quay về mốc 100 USD/thùng nếu OPEC+ giảm mạnh sản lượng?
Giá dầu thô có thể bước vào đợt tăng mới
OPEC+ đang cân nhắc việc cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày - mức giảm mạnh nhất kể từ khi bắt đầu dịch COVID-19 đến nay. Điều này khiến giới chuyên gia cho dự báo rằng giá dầu thô có thể quay về ngưỡng “3 con số”.
OPEC+ sẽ họp tại thành phố Vienna (Áo) vào ngày 4/10 nhằm đưa ra quyết định về điều chỉnh sản lượng khai thác.
“Các bộ trưởng của OPEC+ sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên tại Áo sau hai năm do ảnh hưởng bởi các lệnh giãn cách. Vì vậy, sẽ có một đợt cắt giảm sản lượng mang tính lịch sử”, Dan Pickering, Giám đốc điều hành của Đối tác năng lượng Pickering nhận định.
Tuy nhiên, Pickering nhận định ông kỳ vọng mức cắt giảm 500.000 thùng/ngày cũng đủ để hỗ trợ thị trường trong ngắn hạn.
Giá dầu thô tăng khoảng 4% vào hôm thứ Hai lên 82,8 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng ghi nhận mức tăng tương tự lên 88,5 USD/thùng.
Giá dầu đã giảm 4 tháng liên tiếp kể từ tháng 6 do Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới phải đóng cửa để phòng dịch COVID-19 Điều này khiến nhu cầu bị tổn hại. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất và giá trị đồng USD tăng cao cũng đang gây áp lực lên thị trường tài chính toàn cầu.
Stephen Brennock, chuyên gia phân tích cao cấp tại PVM Oil Associates cho rằng khả năng cao giá dầu thô chuẩn bị bước vào một đợt tăng giá sau cú lao dốc hồi tháng 9.
“Hoạt động giao dịch bắt đầu sôi động trở lại kèm với với nguồn cung có thể bị thắt chặt trong ngắn hạn là những yếu tố cơ bản có thể đẩy giá dầu quay trở lại mốc 100 USD/thùng”, ông Brennock nhận định.
Giới phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs cũng nhận định rằng giá dầu Brent có thể ở mức 100 USD/thùng trong vòng 3 tháng tới sau đó tăng lên 105 USD/thùng trong 6 tháng tiếp theo.
Ngân hàng này cũng cho rằng giá dầu WTI có thể tăng lên mức 95 USD/thùng vào cuối năm nay trước khi đạt mức 100 USD/thùng trong vòng 6 tháng tới.
OPEC+ quyết không để giá dầu về mốc 60 USD/thùng
Theo ông Pickerin, OPEC+ trước đó lên tiếng sẽ không để giá dầu quanh mức 50 - 60 USD/thùng.
“Giá dầu chuẩn bị bước vào đợt tăng mạnh, điều này thể hiện quyết tâm của OPEC+ trong việc bảo vệ giá dầu. Họ không mấy lo lắng về nhu cầu giảm sút”, ông Pickerin nói.
Ông cho rằng thoả thuận hạt nhân Iran sẽ không xảy ra mà rủi ro lớn nhất chính là suy thoái kinh tế có thể ảnh hưởng đến nhu cầu.
Khi được hỏi liệu rằng việc OPEC+ mạnh tay giảm sản lượng có đủ đẩy giá dầu trở về mức kỷ lục thiết lập hồi tháng 6, chuyên gia phân tích Ole Hansen thuộc ngân hàng Sao Bank cho rằng “Giá dầu có thể quay trở về mức đỉnh hồi tháng 6 bởi chúng ta có thể thấy trong nhiều tháng OPEC+ khó khăn trong việc khai thác theo đúng hạn ngạch mà họ đã cam kết. Nếu OPEC+ giảm sản lượng 1 triệu hoặc 1,5 triệu thùng/ngày, họ sẽ phải thay đổi hệ thống hạn ngạch để phù hợp với con số cắt giảm sản lượng thực tế của từng thành viên”.
Ông Ole Hansen cho rằng cuộc họp OPEC+ tuần này sẽ có rất nhiều vấn đề gây tranh cãi và tác động của quyết định cuối cùng về sản lượng sẽ không lớn như những gì thị trường dự báo.
Ngoài ra, vấn đề về nguồn cung toàn cầu cũng là yếu tố có thể thúc đẩy giá dầu.
Pickering cho rằng “Chúng ta có thể nhận thấy lực đẩy đối với giá dầu rõ hơn nếu lệnh trừng phạt của EU đối với Nga kích hoạt vào cuối năm nay và Mỹ ngừng mở kho dự trữ vào tháng 11”.
Các biện pháp trừng phạt của EU đối với việc nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển sẽ có hiệu lực vào tháng 12. Lệnh cấm có thể làm trầm trọng thêm những lo lắng về một thị trường năng lượng vốn đã eo hẹp về nguồn cung.