|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu khó giảm dù Angola rời OPEC

20:45 | 22/12/2023
Chia sẻ
Hôm 21/12, Angola thông báo nước này sẽ rời khỏi OPEC. Theo các nhà phân tích, động thái này cho thấy những căng thẳng kéo dài trong liên minh dầu mỏ lớn nhất hành tinh nhưng khó có thể tác động đến thị trường.

(Ảnh minh hoạ: Reuters).

Giá dầu không bị ảnh hưởng

Cuộc họp hồi tháng 11 của liên minh dầu mỏ OPEC+ đã cho thấy rõ sự bất đồng sâu sắc giữa các thành viên về kế hoạch sản xuất, chủ yếu liên quan đến hạn ngạch khai thác của từng nước.

Angola và Nigeria phản đối kế hoạch của OPEC+ vì họ muốn tăng sản lượng. Hôm 21/12, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Angola cho biết tư cách thành viên OPEC không còn là mối quan tâm hàng đầu của nước này.

Theo Reuters, khi Angola rời đi, OPEC chỉ còn 12 thành viên và có sản lượng dầu thô khoảng 27 triệu thùng/ngày, tương đương 27% thị trường thế giới. Ngân hàng Scotiabank cho biết Angola chiếm chưa đến 4% sản lượng của OPEC.

Chia sẻ với CNBC, ông Clay Siegle, Giám đốc cấp cao tại hãng tư vấn năng lượng Rapidan Energy Group, cho biết động thái của Angola “không gây bất ngờ vì mọi thứ đã thể hiện rõ vào tháng trước”.

Trước Angola, Ecuador và Qatar là hai quốc gia đã rút khỏi OPEC, lần lượt vào năm 2020 và 2018. Angola gia nhập OPEC vào năm 2007 và có sản lượng trung bình 1,1 triệu thùng/ngày.

Trong một bình luận qua email, nhà phân tích hàng hoá Giovanni Staunovo của UBS lưu ý rằng giá dầu thô đã phục hồi sau khi đi xuống trong phiên 21/12.

“Lời giải thích hợp lý là xét từ phía cung, tác động [khi Angola rời OPEC] là rất nhỏ do sản lượng dầu của nước này đã có xu hướng giảm trong vài năm qua”, ông Staunovo cho hay.

“Không ai dự đoán rằng việc Angola rời khỏi OPEC có thể khiến nguồn cung bật tăng, vì muốn cải thiện sản lượng thì trước tiên cần phải bơm thêm tiền đầu tư”, vị chuyên gia của UBS nhấn mạnh.

Theo ông Staunovo, thị trường lo ngại về sự đoàn kết của OPEC nhưng hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy các thành viên lớn trong liên minh dầu mỏ có ý định nối gót Angola.

 

Căng thẳng gia tăng

Trong một báo cáo công bố hôm 21/12, các nhà phân tích tại Scotiabank cho biết nguồn cung dầu thô toàn cầu không biến động đáng kể do Angola đã tối đa hoá sản lượng của nước này từ lâu.

Song, họ lưu ý rằng sự ra đi của quốc gia Trung Phi này là “một ví dụ khác cho thấy căng thẳng đang gia tăng trong OPEC”.

 “Chúng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu những nước thành viên nhỏ như Congo, Guinea Xích đạo, Gabon,... cân nhắc lại tư cách thành viên OPEC của họ”, các nhà phân tích viết.

Do đó, nhóm chuyên gia dự đoán các cổ phiếu năng lượng sẽ chịu đôi chút tác động tiêu cực trong thời gian tới, vì động thái của Angola “cho một số nhà đầu tư lý do để tiếp tục bi quan về thị trường dầu mỏ”.

Câu chuyện quan trọng hơn sự ra đi của Angola là việc Brazil sắp gia nhập OPEC+ và việc sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đang ở mức cao kỷ lục, ông Siegle của Rapidan cho hay.

“Những nhà sản xuất trên mới có năng lực tác động đến cung - cầu toàn cầu và theo cách nào đó, chính họ đang đặt ra một chút thách thức cho các thành viên OPEC+... không chỉ trong năm 2024 mà còn nhiều năm sau”, Giám đốc Siegle nói.

“Đó sẽ là thách thức mà OPEC+ phải đối mặt khi cố phát tín hiệu phù hợp đến thị trường nhằm đảm bảo các nhà giao dịch hiểu rằng OPEC+ có khả năng và sự gắn kết giữa các nước thành viên sẽ tiếp tục duy trì trạng thái cân bằng của thị trường”, ông tiếp lời.

Brazil vẫn chưa chấp nhận hạn ngạch được cấp và vào tháng 11, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Brazil cho biết nước này vẫn phải xem xét tài liệu trước khi chính thức gia nhập liên minh dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Yên Khê