Mỹ đang sản xuất nhiều dầu thô hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong lịch sử
Trong bối cảnh thế giới đối mặt với nguy cơ khủng hoảng khí hậu, các nhà vận động môi trường đã yêu cầu Tổng thống Mỹ Joe Biden loại bỏ dần ngành công nghiệp dầu mỏ, còn các thành viên Đảng Cộng hòa tuyên bố rằng ông Biden đang làm điều đó. Thực tế đáng ngạc nhiên là Mỹ đang bơm dầu với tốc độ chóng mặt và đang trên đà sản xuất nhiều dầu hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử.
Báo cáo gần đây của S&P Global Commodity Insights ước tính Mỹ sẽ sản xuất 13,3 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tự mỗi ngày trong quý IV/2023 - sản lượng cao nhất trong lịch sử thế giới.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết tháng trước, sản lượng dầu của Mỹ đạt 13,2 triệu thùng/ngày. Con số này cao hơn kỷ lục 13,1 triệu thùng/ngày ghi nhận vào đầu năm 2020, ngay trước khi đại dịch COVID-19 khiến sản lượng và giá năng lượng lao dốc. Điều này đã góp phần giúp giá xăng dầu duy trì ở mức thấp.
Sản lượng dầu của Mỹ lớn đến mức nước này đang bán bớt cho những quốc gia khác. Lượng dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng và sản phẩm tinh chế mà Mỹ đang xuất khẩu bằng với những gì Arab Saudi hoặc Nga sản xuất được, S&P cho biết.
Ông Bob McNally, Giám đốc Rapidan Energy Group, bình luận: “Những con số trên là lời nhắc nhở rằng nước Mỹ được phú cho trữ lượng dầu khổng lồ. Đừng bao giờ đánh giá thấp ngành dầu mỏ của Mỹ”.
Sản lượng dầu kỷ lục của Mỹ góp phần bù đắp cho các đợt cắt giảm sản lượng lớn của tổ chức OPEC+. Các nhà sản xuất dầu không thuộc OPEC như Canada và Brazil cũng đang bơm nhiều dầu hơn bao giờ hết, theo tờ CNN.
Giới chuyên gia cũng phải bất ngờ về công suất bơm dầu của Mỹ. Cuối tuần trước, các nhà phân tích của Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu trong năm 2024, giải thích “nguyên nhân chính” là nguồn cung dồi dào của Mỹ.
Theo dự báo của S&P, nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ leo lên mức kỷ lục vào năm 2024, nhưng sự gia tăng của nguồn cung sẽ “dễ dàng” giải quyết được vấn đề này.
Giá dầu dưới 74 USD/thùng
Trong năm 2023, có lúc giá dầu thô đã ngấp nghé mốc 100 USD/thùng, nhưng kể từ đó đã rơi xuống ngưỡng 70 - 75 USD.
Giá năng lượng bật tăng trong tuần này sau khi BP ngừng vận chuyển hàng qua Biển Đỏ do lo ngại về an ninh. Tuy nhiên, dầu thô Mỹ vẫn giao dịch dưới 74 USD/thùng, thấp hơn hẳn mức giá khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10.
Tại Mỹ, giá xăng trung bình toàn quốc ngày 19/12 là 3,08 USD/gallon, giảm nhẹ so với mức 3,14 USD/gallon một năm trước, theo AAA.
Ảnh hưởng của ông Biden
Bất chấp sản lượng dầu thô ở mức kỷ lục, chính sách năng lượng của ông Biden đã phải chịu chỉ trích nặng nề. Trong tháng 9, tiểu ban Tài nguyên Năng lượng và Khoáng sản của Hạ viện Mỹ đã tổ chức một phiên điều trần với chủ đề “Cuộc chiến với ngành năng lượng trong nước của Tổng thống Biden đe dọa mọi người Mỹ”.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Dan Sullivan tuyên bố rằng cuộc chiến của chính quyền ông Biden với ngành năng lượng là “món quà cho kẻ thù của Mỹ”.
Song, việc nước Mỹ sản xuất được nhiều dầu thô hơn bất kỳ nước nào trong lịch sử đã làm mất đi sức thuyết phục của lập luận trên. Nhưng điều này không có nghĩa là chính sách của ông Biden đã mở đường cho sản lượng dầu kỷ lục của Mỹ. Nhà Trắng cũng sẽ không vội vã nhận công.
Ông McNally, quan chức Bộ Năng lượng dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho biết chủ nhân Nhà Trắng không thể tạo ra nhiều tác động đối với sản lượng dầu quốc gia, trừ khi đưa ra biện pháp đặc biệt trong giai đoạn khẩn cấp.
Khác với các nước OPEC, sản lượng dầu thô của Mỹ chủ yếu được quyết định bởi thị trường tự do. Ông McNally nói tiếp: “Ông Biden hay bất kỳ vị tổng thống nào khác không thể cứ thế nhấc điện thoại trong Phòng Bầu dục và ra lệnh tăng sản lượng”.
Thay vào đó, sự gia tăng rõ rệt của sản lượng dầu của Mỹ đến từ những cải tiến trong cách vận hành của các công ty dầu mỏ. Các công ty năng lượng đã tìm ra cách để khai thác ngày càng nhiều dầu từ lòng đất mà không cần tăng cường đáng kể hoạt động khoan.
Thay đổi lập trường
Ông McNally bình luận thêm là Nhà Trắng đã buộc phải thay đổi lập trường về nhiên liệu hóa thạch từ tập trung vào khí hậu sang hướng trung lập hơn.
Năm ngoái, giá xăng tại Mỹ vượt quá 5 USD/gallon sau khi Nga tấn công Ukraine, đẩy thị trường dầu mỏ vào cảnh hoảng loạn. Trong tình cảnh này, ông Biden phải kêu gọi giới doanh nghiệp Mỹ bơm thêm dầu - trái ngược với lời kêu gọi của các nhà khoa học khí hậu.
Tháng 3 năm nay, chính quyền ông Biden thậm chí còn phê chuẩn dự án khoan dầu gây tranh cãi ở Alaska đã bị đình trệ hàng chục năm. Ông McNally lưu ý: “Tổng thống Biden đã bị đẩy khỏi chiến lược cứng rắn ban đầu và phải áp dụng chính sách thực tiễn hơn do giá xăng đắt đỏ và cuộc chiến Nga - Ukraine”.