Giá dầu giao sau Thượng Hải giảm trước lo ngại về nhu cầu lọc dầu trong nước
Dầu giao sau Thượng Hải khởi đầu ‘như mơ’ ngày thứ hai liên tiếp | |
Vừa ‘chào sân’, giá dầu giao sau Thượng Hải tăng vọt hơn 6% |
Tính từ khi bắt đầu giao dịch vào ngày 26/3, giá dầu giao sau tại Thượng Hải đã giảm 10%, đặt ra câu hỏi liệu các nhà máy lọc dầu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới có đang nỗ lực kéo giảm chi phí nhập khẩu hay không. Giá dầu Brent và WTI giảm khoảng 1% trong tuần qua.
Kho dầu tại cảng Yangshan, Thượng Hải. Nguồn: Aly Song/Reuters. |
“Đang có tâm lý lo ngại về nhu cầu dầu thô và việc giao các hợp đồng tương lai. Và kết quả là, không có đủ nhà đầu tư sẵn sàng đặt cược vào vị thế dài hạn hoặc nhận một chuyến hàng”, chuyên gia phân tích Chen Tong của hãng First Futures cho biết.
Hợp đồng tương lai gần nhất trên sàn Thượng Hải là hợp đồng giao tháng 9, trong khi hợp đồng gần nhất của dầu Brent và WTI là hợp đồng giao tháng 5.
Độ trễ của hợp đồng dầu giao sau trên sàn Thượng Hải gây sự ngờ vực liệu xu hướng giảm giá của hợp đồng này có duy trì lâu hay không. Tuy nhiên, các nhà giao dịch bất ngờ khi giá dầu giao sau Thượng Hải tương đương, thậm chí có thời điểm thấp hơn giá của nhà sản xuất.
Một nhà giao dịch tại Bắc Kinh nhận thấy sự khác biệt về chất lượng giữa dầu giao sau Thượng Hải – chủ yếu là dầu thô Trung Đông có hàm lượng lưu huỳnh trung bình, với dầu Brent và WTI giao sau – dầu thô ngọt nhẹ (ít lưu huỳnh) khai thác tại Mỹ và Biển Bắc.
Nhà giao dịch này cho biết ông bi quan về hợp đồng dầu tương lai trên sàn Thượng Hải vì các nhà máy lọc dầu độc lập Trung Quốc không muốn lọc dầu Trung Đông vì hàm lượng lưu huỳnh cao.
Ông đang theo dõi chênh lệch giữa giá dầu Thượng Hải và WTI. “Giá dầu Thượng Hải cần giảm ít nhất 5 USD/thùng để chúng tôi có thể mua được”, ông nói.
Giá dầu giao sau Thượng Hải giảm 1,06% xuống 409,7 nhân dân tệ/thùng (65,16 USD/thùng). Giá dầu WTI giao tháng 5 hiện giao dịch ở 64,51 USD/thùng, trong khi giá giao tháng 9 là 63,12 USD/thùng.
Một nhân tố khác có thể hạn chế nhu cầu của các nhà máy lọc dầu độc lập Trung Quốc đối với dầu giao sau Thượng Hải là, các nhà máy này phải xin cấp hạn ngạch nhập khẩu cho nửa cuối năm, một số nhà giao dịch tại Trung Quốc cho biết.
Hơn nữa, áp lực bán từ các công ty dầu thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc vốn là người mua dầu thô chính tại nước này, có thể là lý do khiến giá dầu giảm gần đây.
“Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, vậy tại sao họ không thể kéo giá xuống? Nếu ý tưởng về loại dầu giao dịch bằng nhân dân tệ là để đảm bảo Trung Quốc có thể mua dầu thô với giá hợp lý, thì tại sao giá lại phải cao?”, ông Matt Stanley, nhà môi giới nhiên liệu tại Freight Investor Services, cho biết.