|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu đang trên đường hồi phục, dẫu sẽ có nhiều trắc trở

11:21 | 22/03/2021
Chia sẻ
Giá dầu mới trải qua phiên giảm mạnh nhất trong hơn 6 tháng trở lại đây nhưng vẫn đang kiên định trên con đường phục hồi hậu đại dịch. Nhu cầu nhiên liệu tại Trung Quốc, Mỹ và một số nước châu Âu đang có những tín hiệu khả quan.
Giá dầu đang trên đường hồi phục, dẫu sẽ có nhiều trắc trở - Ảnh 1.

Công nhân làm việc với đường ống dẫn nhiên liệu. (Ảnh: Bloomberg).

Thứ Năm tuần trước (18/3), giá hợp đồng tương lai dầu thô sụt hơn 7% trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 ở châu Âu gặp trở ngại và Trung Quốc giảm nhập khẩu. Dù vậy, dữ liệu trên khắp thế giới cho thấy nhu cầu nhiên liệu đang đi lên vững chắc, dù đôi lúc có thể gặp trở ngại.

Một năm trước, vì các lệnh phong tỏa gắt gao để chống COVID-19, tàu bay phải nằm đất hàng loạt, đậu san sát nhau ở sân bay cũng như các bãi chứa ở sa mạc. Ngày nay, các sân bay của Mỹ đón hàng triệu khách mỗi ngày, các tiếp viên hàng không đã bắt đầu đi làm trở lại sau thời gian tạm nghỉ.

Việc ngành hàng không – lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất vì đại dịch – dần quay về công suất bình thường chỉ là một trong những những ví dụ cho thấy nền kinh tế thế giới đang hàn gắn các vết thương.  

Theo Bloomberg, tiêu thụ xăng, dầu diesel và nhiên liệu bay hiện đều đang ở mức đỉnh hơn một năm.

Diễn biến tiêu cực của thị trường cũng có nhiều lý do chính đáng. Việc Italy phong tỏa thêm một lần nữa cho thấy những thành tựu đạt được có thể nhanh chóng tan thành mây khói nếu đà lây lan của virus không được kiểm soát. Dù vậy, nhiều khả năng nhu cầu sẽ tiếp tục cải thiện trong suốt mùa hè – thời gian mà tiêu thụ nhiên liệu thường lên cao nhất trong năm.

Theo thống kê của Bloomberg, tổng cộng 410 triệu liều vắc xin đã được tiêm ở 132 quốc gia. Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành gói cứu trợ kinh tế 1.900 tỷ USD khiến nhiều nhà phân tích phải nâng dự báo tăng trưởng lên cao hơn đáng kể.

Ông Norbert Ruecker – Giám đốc phân tích kinh tế tại ngân hàng Julius Baer nhận xét: "Nhu cầu xăng dàu ở Phương Tây nhiều khả năng sẽ bật tăng theo đà phục hồi kinh tế, kích thích tài khóa, chiến dịch tiêm vắc xin và nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Những trắc trở trong quá trình triển khai vắc xin ở châu Âu hầu như không thay đổi triển vọng kinh tế".

Tăng và còn tăng nữa

Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năm 2019 mỗi ngày thế giới tiêu thụ hơn 100 triệu thùng dầu - mức cao nhất trong lịch sử. Tháng 3 và 4 năm ngoái khi thế giới phong tỏa chống dịch, nhu cầu dầu toàn cầu có lúc lao dốc tới 30%. Hiện nay, nhu cầu đã quay lại tương đương 95% giai đoạn trước dịch.

Theo dữ liệu của Flightradar24, các chuyến bay thương mại toàn thế giới hiện đã bằng 2/3 mức trước COVID. Tại Mỹ, liên tục trong 8 ngày từ 11 đến 18/3, các sân bay đều đón hơn 1 triệu hành khách mỗi ngày - điều chưa từng xảy ra trong hơn một năm qua.

Lưu lượng giao thông đường bộ từ phía nam bang California đến trung tâm giải trí, sòng bạc Las Vegas hiện đã ngang bằng mức trước dịch, nguyên nhân có thể là nhiều người lựa chọn lái xe thay vì đi máy bay.

Giá dầu đang trên đường hồi phục, dẫu sẽ có nhiều trắc trở - Ảnh 2.

Một dấu hiệu phục hồi khác là dòng chảy xăng và dầu diesel từ các nhà máy lọc dầu ở Mỹ tới các cảng ở Mexico tăng tốc trong tháng 2 và 3 khi đất nước Trung Mỹ này chuẩn bị đón khách du lịch ồ ạt đồ về trong kỳ nghỉ xuân.

Tại Trung Quốc, lượng hành khách di chuyển bằng đường hàng không tháng 2 vừa qua tăng lên 23,9 triệu lượt, gần ba lần cùng kỳ năm ngoái.

Ông Sri Paravaikkarasu - Chuyên gia về dầu thô tại châu Á của hãng tư vấn FGE cho rằng nhu cầu nhiên liệu máy bay ở châu Á nhiều khả năng sẽ dần dần cải thiện trong năm 2021, chủ yếu là nhờ các chuyến bay nội địa.

Dù vậy, quá trình hồi phục hoàn toàn của thị trường dầu mỏ vẫn còn rất dài và khó khăn. Lưu lượng hàng không ở châu Âu hiện cao hơn dự báo của một số chuyên gia nhưng vẫn chỉ tương đương 1/3 mức trước dịch.

Ông Paravaikkarasu nói: "Kể cả khi vắc xin được phân phối nhanh thì các tuyến biên giới cũng phải mất nhiều tháng mới có thể được mở cửa hoàn toàn. Do các nước đều thận trọng trong việc mở lại đường bay quốc tế nên nhu cầu nhiên liệu bay ở châu Á có lẽ phải tới 2023 mới bằng mức trước dịch".

Nhu cầu dồn nén

Một trong những thước đo phản ánh nhu cầu nhiên liệu đường bộ là thời gian tắc đường. Nhiều người đi xe trên đường đồng nghĩa với tiêu thụ xăng dầu tăng và thời gian tắc nghẽn cũng dài hơn. Ở London, thời gian di chuyển giờ cao điểm buổi sáng hiện nay đã lớn hơn so với cùng kỳ 2019. Ở Paris và Berlin, thời gian tắc đường bằng khoảng 70% mức trước dịch.

Ở Madrid, tình trạng tắc nghẽn chỉ chưa đầy 60% mức năm 2019, ở Rome là khoảng 1/4.

Một báo cáo của BloombergNEF nhận định: "Hoạt động giao thông ở Italy suy sụp vì chính phủ tái áp dụng các biện pháp hạn chế để chống lại đợt bùng phát dịch mới nhất. Tuy nhiên, quá trình hồi phục vẫn tiếp tục ở Anh và Đức".

Giá dầu đang trên đường hồi phục, dẫu sẽ có nhiều trắc trở - Ảnh 3.

Một giàn khoan dầu đứng tại cảng ở Anh. (Ảnh: Bloomberg).

Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu đà hồi sinh của châu Á. Thời gian tắc đường buổi sáng từ Bắc Kinh và Thượng Hải đi Vũ Hán và Trùng Khánh hiện nay còn dài hơn cả trung bình năm 2019. Tiêu thụ xăng cũng cao hơn 3,2% so với trước dịch.

Tình hình ở một số nước như Nhật Bản và Hàn Quốc có vẻ kém khả quan hơn. Nhu cầu xăng ở Nhật có thể giảm 2-3% trong năm 2021, ông Tsutomu Sugimori - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Nhật Bản - nhận định hồi tháng 2. Các nhà máy lọc dầu ở Hàn Quốc và Đài Loan hiện cũng hoạt động dưới công suất rất nhiều do nhu cầu nội địa và xuất khẩu đều thấp. 

Ông Paravaikkarasu - Chuyên gia của công ty tư vấn FGE nói: "Mặc dù xu hướng hồi phục trong tiêu thụ xăng đã chậm lại phần nào vì COVID-19 tái bùng phát ở một số quốc gia nhưng nhu cầu du lịch bị dồn nén trong dịch sẽ dẫn đến một đợt bùng nổ nhu cầu nghỉ mát trong mùa hè".

Đức Quyền