Giá đất Long An đang hấp dẫn và tạo động lực hơn hẳn các vùng giáp ranh TP HCM khác
'Cần Giuộc, Long An gần trung tâm TP HCM hơn nhưng giá đất chưa bằng nửa Hóc Môn'
Tại buổi Hội thảo chủ đề "TP HCM – Long An: Kết nối phát triển" hôm nay (ngày 25/7), ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc CTCP DKRA, cho biết, năm 2017, Long An có khoảng 12.000 sản phẩm nhà ở tung ra thị trường. Năm 2018, số lượng nhà ở (gồm cả nhà phố, biệt thự, đất nền) là gần 11.000 sản phẩm. Nhưng nửa đầu năm 2019, nguồn cung mới chưa bằng 50% so với năm 2018.
Các khách mời cùng chia sẻ thông tin, quan điểm về tiềm năng của thị trường địa ốc Long An tại hội thảo. (Ảnh: Hiếu Quân)
"Từ 2010 đến nay, phần lớn các nhà đầu tư – kể cả nhà phát triển bất động sản (BĐS) lẫn người đầu tư cá nhân, chỉ tập trung vào ba khu vực giáp ranh TP HCM là Đức Hòa, Cần Giuộc và Bến Lức.
Từ trung tâm quận 1, TP HCM theo đường chim bay xuống huyện Cần Giuộc chỉ khoảng 20 km, tương tự về Hóc Môn còn xa hơn từ hơn – khoảng hơn 20 – gần 30 km. Nhưng giá đất tại Cần Giuộc hiện tại lại chưa bằng một nửa của Hóc Môn.
Độ hấp dẫn của địa ốc Long An ở vùng giáp ranh TP HCM trỗi dậy trong những năm gần đây bởi giá đất tại đây rẻ hơn rất nhiều so với những khu vực tương tự tại Bình Dương, Đồng Nai", Tổng Giám đốc DKRA thông tin.
Hạ tầng kết nối TP HCM – Long An hầu như không khác hồi 2013
Vị này nhận định, trong tương lai dài, độ hấp dẫn của thị trường Long An tại các vùng giáp ranh TP HCM sẽ tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông lại đang là rào cản sự phát triển của khu vực này.
Ông lấy ví dụ, khu vực xã Long Hậu đã có khá nhiều dự án, nhưng hạ tầng kết nối từ TP HCM về đây vẫn rất yếu, hầu như không thay đổi nhiều so với thời điểm khoảng năm 2013. Điều này làm giảm độ hấp dẫn của thị trường địa ốc Long An rất nhiều.
Hiện thị trường chỉ có các nhà đầu tư thứ cấp mua đất đã phân lô, làm hạ tầng để chờ lên giá. Long An chưa hút được các nhà đầu tư lớn làm hạ tầng, tiện ích như trung tâm thương mại, những tổ hợp giải trí…
Những dự án trước đây chỉ có quy mô khoảng 5 – 7 ha. Thông tin công bố gần đây mới cho biết, tỉnh đã giao một số dự án quy mô lớn hàng nghìn ha cho VSIP, Vingroup…
Theo ông Phạm Lâm: "Long An rất muốn thúc đẩy thị trường ba vùng giáp ranh TP HCM nói trên để kết nối với TP HCM. Nhưng về phía TP HCM có thể có nhiều vùng khác muốn ưu tiên đầu tư hơn nên chưa có chính sách cụ thể dành cho ba vùng này. Cần có giải pháp phối hợp giữa hai bên để thúc đẩy kết nối chung".
Đầu tư vào Long An sẽ theo quy luật "nước chảy chỗ trũng"
Dự báo về tiền năng phát triển của Long An từ nay đến năm 2020, ông Phạm Lâm nêu ra quy luật "nước chảy chỗ trũng". Bởi theo ông, đất ở Long An so với các khu vực giáp ranh TP HCM của các tỉnh khác đang rất hấp dẫn.
Là người trực tiếp kinh doanh các dự án ở những khu vực lân cận TP HCM, ông khẳng định dự án nào tại khu giáp ranh Sài Gòn của Long An đưa ra bán cũng tốt. Trong năm nay và nhiều năm sau nữa, khu vực này vẫn còn rất hấp dẫn, "cứ mua chắc chắn sẽ lời".
Đại diện DKRA phân tích: "Trước đây, tại khu vực phía Tây TP HCM – quận Bình Tân, vào thời điểm năm 2005 – 2006 mà đi về ngã tư 4 xã cảm giác như ở quê vậy. Nhưng nay đất tại đây đã chật hết, giá rất cao. Nên nhìn tới 20 năm nữa, ba vùng giáp ranh TP HCM của Long An nên tập trung phát triển nhà ở".
Về điều kiện tự nhiên của Long An – trung thấp và nhiều sông ngòi, ông Phạm Lâm cho rằng đây chưa hẳn là điểm bất lợi nếu biết cách khai thác. Có thể làm những khu nhà ở gắn liền với môi trường tự nhiên, tận dụng không gian sông nước để phát triển các khu đô thị xanh mang tính bền vững, lâu dài.
"Thực tế có những khu giáp ranh đã đầu tư hàng thập kỉ nhưng đến nay mật độ xây dựng chưa đạt 30%, việc xây dựng cũng không còn đúng quy chuẩn khiến bộ mặt đô thị chung không đẹp.
Mặc dù giá đất Long An đang tăng, nhưng sự tăng giá đất diễn ra trên toàn quốc, bất kì đâu giá cũng tăng chứ không riêng gì TP HCM hay Long An. Phải tính toán để khai thác được tiềm năng, lợi thế của Long An khi giáp TP HCM. Tiềm năng của khu vực này không chỉ trong 2 – 3 năm, mà còn trong 10 năm và xa hơn nữa", ông Lâm khẳng định.