Giá cát xây dựng giảm nhiệt
Theo nhận định của các chủ vựa cát, giai đoạn giá cát tăng vừa qua là do cấm khai thác cát nhiều nơi, trùng với thời điểm các công trình đẩy mạnh việc xây dựng để vào mùa nghiệm thu và quyết toán trong quý 2. Lợi dụng cơ hội đó, các chủ mỏ “bắt tay” với sà lan đẩy giá tạo nên cơn “sốt cát”. Sang quý 3, do thời tiết mưa nhiều, các nhà thầu xây dựng hoạt động cầm chừng và chờ thanh toán tiền nên giá cát hạ xuống, phải đến cuối năm việc xây dựng mới rộn ràng trở lại.
Ai “thổi” giá cát?
Ghi nhận giá thị trường ngày 4-7, cát vàng vận chuyển trực tiếp từ thuyền lên bờ dao động từ 550.000 - 600.000 đồng/m3, cát san lấp (cát đen) giá 220.000 - 250.000 đồng/m3. Một đại lý cấp 1 ở quận 9 cũng cung cấp con số tương tự, đồng thời cho rằng: “Giá cát tăng là từ người hút bán chứ không phải từ đại lý”. Trong khi đó, một tài xế xe ben chở cát cho công trình lại nhận xét, ngày nào cũng thấy sà lan chở cát đến bán, chưa bao giờ thấy cát thiếu. Có thể do thông tin công an kiên quyết dẹp nạn hút cát trộm nên “cát tặc” và đại lý cấp 1 bắt tay với nhau thổi giá.
Anh Liêm, chủ một đại lý chuyên bán cát sỉ ở xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè cho biết, cách nay hơn một tháng vào đỉnh điểm xây dựng, giá cát tăng mạnh, nhưng nguồn cung lại khan hiếm. Anh cùng nhiều đại lý đã tìm kiếm nguồn cung cấp khác nhau, kể cả vận chuyển bằng đường biển từ mỏ cát ở miền Trung. Tuy nhiên hiện giá cát bán ra đã giảm khá mạnh, có loại giảm 20% hoặc giảm sâu đến 40% so với thời đỉnh điểm sốt cát.
Công an Đồng Nai phát hiện vụ khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai. Ảnh: Duy Thành |
Qua ghi nhận từ các công trình xây dựng tại TPHCM cho thấy, sự tăng giá cát vừa qua không tác động nhiều đến dự án. Ông Lê Quốc Duy, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Hòa Bình nhận xét, vừa qua giá cát xây dựng tăng nhưng không ảnh hưởng tới các công trình xây dựng do các nhà thầu đang hưởng lợi từ giá thép giảm. Cũng nhờ thế, đến nay công ty không phải điều chỉnh lại giá bán các căn hộ.
Tìm vật liệu thay thế
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học quốc gia TPHCM, hiện tượng giá cát tăng vừa qua có một nguyên nhân rất lớn đó là yếu tố đầu cơ, thổi giá. Nhiều đầu nậu, nhà cung cấp lợi dụng chủ trương siết chặt việc khai thác cát xây dựng đã “làm giá” để trục lợi.
TS Nguyễn Quang Cung, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng cho rằng, để ngăn chặn nạn cát tặc và đảm bảo không ô nhiễm đô thị, trước hết cần siết chặt quản lý trên bờ. Cụ thể, Nhà nước phải ra văn bản quy định: cát đưa đến công trình xây dựng bắt buộc phải là cát đã được chế biến, làm sạch. Để làm sạch được cát, khi cấp phép cho người khai thác, sẽ cấp phép diện tích mặt nước để chế biến, đồng thời cấp phép cho thuê đất để tập kết cát. Sau khi được chế biến thành phẩm, cát được đóng gói theo trọng lượng khi chở đến công trình, có bao nhãn, xuất xứ. Nhà nước quản lý toàn bộ quy trình này, có thu thuế, phí theo quy định.
Trước thực trạng nguồn cung cát đang trở nên khan hiếm và dần cạn kiệt, mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn đề xuất các Bộ Công thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến về đề xuất nhập khẩu cát xây dựng nhằm giảm bớt áp lực cân đối cung cầu hiện nay. Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu cát xây dựng khi nhập khẩu phải đáp ứng chất lượng cát xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam, không được tái xuất sang nước thứ 3.
Theo TS Nguyễn Quang Cung, về lâu dài cần nghiên cứu để thay thế cát tự nhiên bằng cát nhân tạo nghiền từ đá vôi hoặc đá bazan, đây là nguồn tài nguyên khá dồi dào của nước ta. Trên thực tế, trong một vài năm trở lại đây, nhiều công trình đã sử dụng một phần cát nhân tạo được tạo ra từ việc nghiền nhỏ đá. Điển hình là một số công trình trọng điểm quốc gia như thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu... Bước đầu đánh giá, chất lượng công trình đều bảo đảm thiết kế kỹ thuật; chất lượng, hiệu quả kinh tế bằng hoặc cao hơn việc sử dụng cát xây dựng thông thường.
Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2015, nhu cầu sử dụng cát chỉ vào khoảng 92 triệu m3, qua năm 2016 nhu cầu cát cho xây dựng khoảng 131-140 triệu m3; đến năm 2020 nhu cầu này sẽ tăng lên 182-195 triệu m3. Trong khi đó, tổng tài nguyên cát của Việt Nam ước khoảng 2,3 tỷ m3, đáp ứng 60%-65% nhu cầu của các thành phố lớn.