|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cao su hôm nay 9/11: Biến động trái chiều, sàn Osaka kết thúc chuỗi ngày tăng giá

16:52 | 09/11/2024
Chia sẻ
Giá cao su hôm nay (9/11) quay đầu giảm trên sàn Osaka trong khi tiếp tục tăng ở Thượng Hải. Từ đầu năm 2024 đến nay, trị giá nhập khẩu cao su của các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Malaysia tăng, trong khi EU giảm.

Cập nhật giá cao su

Xem thêm: Giá cao su hôm nay 8/11

Thị trường cao su thế giới biến động trái chiều ngày cuối tuần. Trong đó, giá cao su tương lai tại Nhật Bản kết thúc chuỗi bốn ngày tăng giá liên tiếp do giá dầu thô giảm hơn 2% và các gói kích thích kinh tế mới nhất của Trung Quốc không gây ấn tượng với thị trường.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/11, giá cao su RSS 3 giao tháng 3/2025 tại Sở Giao dịch Osaka (OSE) Nhật Bản bất ngờ hạ nhiệt và giảm 1,6% (5,8 yen/kg) so với phiên giao dịch trước, xuống còn 365,6 yen/kg.

Ngược lại, trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Thượng Hải (SHFE) - Trung Quốc, giá cao su thiên nhiên hợp đồng giao tháng 1/2025 tiếp tục tăng nhẹ 0,3%, tương đương 50 nhân dân tệ/tấn, lên mức 18.450 nhân dân tệ/tấn.

Còn tại Thái Lan, giá cao su RSS 3 kỳ hạn tháng 12 giữ ổn định ở mức 79,84 Baht/kg.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ sàn Osaka Nhật Bản

Tại thị trường trong nước, giá thu mua cao su của các công ty không ghi nhận biến động mới.

Công ty Cao su Bà Rịa báo giá thu mua mủ nước ở mức 465 - 475 đồng/TSC, mủ đông DRC (35 - 44%) 14.200 đồng/kg; mủ nguyên liệu trong khoảng 17.600 - 19.000 đồng/kg.

Công ty Cao su Phú Riềng báo giá thu mua mủ tạp ở mức 435 đồng/DRC và mủ nước là 480 đồng/TSC.

Giá thu mua của Công ty Cao su Mang Yang đi ngang ở mức 443 – 447 đồng/TSC đối với mủ nước; mủ đông tạp đạt 406 – 461 đồng/DRC.

Cập nhật thông tin cao su

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường cao su vẫn bị chi phối bởi kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn lạc quan, căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang, trong khi nhu cầu của Trung Quốc chậm lại.

Tuy nhiên, giá cao su đã tăng đáng kể do nguồn cung khan hiếm bởi ảnh hưởng của thời tiết bất lợi.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định nhu cầu nhập khẩu cao su tại các thị trường lớn trên thế giới đang có xu hướng phục hồi, nhất là giai đoạn cuối năm, đây là tín hiệu tích cực để ngành cao su Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cao su trong thời gian tới.

Từ đầu năm 2024 đến nay, trị giá nhập khẩu cao su của các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Malaysia tăng, trong khi EU giảm. Trong đó, ngoài Trung Quốc và Ấn Độ thì thị phần cao su của Việt Nam tại các thị trường này đều ở mức thấp.

Cụ thể, nhập khẩu cao su của Trung Quốc đã giảm liên tục kể từ tháng 2/2024 đến nay. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 9 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 5,32 triệu tấn cao su, với trị giá gần 9 tỷ USD, giảm 12,4% về lượng, nhưng tăng 0,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho nước này với khối lượng đạt 920,75 nghìn tấn, trị giá 1,38 tỷ USD, giảm 20,7% về lượng và giảm 10% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 17,3% về lượng và chiếm 15,4% về trị giá trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc trong 9 tháng.

Còn tại EU, theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu, trong 7 tháng đầu năm, EU nhập khẩu 3,2 triệu tấn cao su từ các thị trường trên thế giới, với trị giá 7,16 tỷ Eur (tương đương 7,8 tỷ USD), tăng 3,9% về lượng, nhưng giảm 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong các nguồn cung ngoài khối, Bờ Biển Ngà, Thái Lan, Mỹ, Indonesia, Nga, Anh, Hàn Quốc và Malaysia là các thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho EU.

Trong số các nước ASEAN, cao su của Thái Lan hiện đang có thị phần lớn nhất tại EU, tiếp sau là thị phần cao su của Indonesia và Malaysia. Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN về thị phần cao su tại EU, với thị phần vẫn ở mức thấp.

Theo đó, EU nhập khẩu cao su từ Việt Nam đạt 37,55 nghìn tấn, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 1,2% tổng lượng cao su nhập khẩu của EU trong 7 tháng đầu năm.

Ngày 16/10/2024, Hội đồng châu Âu đã nhất trí tạm hoãn thực hiện một năm đối với EUDR theo đề xuất của EC. Trong phiên họp toàn thể vào giữa tháng tới, Nghị viện châu Âu, cơ quan lập pháp của EU, cần bỏ phiếu tán thành để quyết định trì hoãn có hiệu lực.

Luật này, được gọi là EUDR, sẽ yêu cầu các công ty nhập khẩu sản phẩm, bao gồm cao su, phải chứng minh chuỗi cung ứng của họ không góp phần vào việc phá rừng trên thế giới. Do đó, các công ty đã mua nông sản được chứng nhận EUDR sẽ bị thiệt hại do sự trì hoãn này

Hoàng Hiệp

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.