Giá cao su đạt đỉnh 13 năm do sản lượng tại Thái Lan và Trung Quốc giảm mạnh
Theo Global Rubber Markets, ước tính từ 4 nhà phân tích và thương nhâncho thấy, sản lượng cao su tự nhiên (phần lớn được sản xuất tại châu Á) dự báo sẽ giảm tới 4,5% vào năm 2024, xuống còn khoảng 14 triệu tấn.
Dự báo sản lượng giảm đã đẩy giá cao su tăng hơn 50% trong năm nay, khiến đây trở thành một trong những mặt hàng có hiệu suất tốt nhất năm 2024. Hợp đồng cao su tiêu chuẩn trên sàn Osaka đã đạt mức cao nhất trong 13 năm qua, ở mức 419,7 yên (2,81 USD) vào tuần trước.
Giá cao su thực tế đã tăng cùng với thị trường tương lai. Cao su khối xuất khẩu chuẩn của Thái Lan đã tăng hơn 31% từ đầu năm đến nay, theo Helixtap Technologies.
Cây cao su thường trải qua mùa thấp sản lượng từ tháng 2 đến tháng 5 trước khi bước vào thời kỳ thu hoạch cao điểm kéo dài đến tháng 9. Tuy nhiên, bà Farah Miller, nhà sáng lập công ty dữ liệu chuyên về cao su Helixtap ở Singapore, cho biết nhiệt độ cao lên tới 40 độ C trong quý đầu tiên có thể đã kéo dài giai đoạn sản lượng thấp, vì cây cao su có thể tăng trưởng chậm lại trong điều kiện quá nóng.
Sau đợt nắng nóng, các khu vực trồng cao su ở Thái Lan đã phải chịu mưa lớn và lũ lụt trong những tháng gần đây.
“Một số thay đổi thời tiết này có thể tác động mạnh đến tần suất khai thác mủ từ cây cao su và tổng sản lượng latex,” bà Miller nói.
Kết quả là, sản lượng tại Thái Lan – chiếm khoảng một phần ba tổng sản lượng cao su toàn cầu – dự kiến sẽ giảm từ 10% đến 15%, theo ước tính của Helixtap.
Ông Jom Jacob, nhà phân tích chính của công ty phân tích cao su WhatNext Rubber tại Ấn Độ, cho biết với mùa thu hoạch cao điểm năm nay bị gián đoạn bởi số ngày mưa quá nhiều và lũ lụt, cây cao su có thể bị tổn thương bởi bệnh lá.
Ông ước tính sản lượng cao su toàn cầu năm 2024 có thể sẽ thiếu hụt so với nhu cầu khoảng 1,2 triệu tấn.
Thiệt hại tại Trung Quốc
Bão Yagi – cơn bão mạnh nhất châu Á năm nay – đã làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung, khi quét qua khu vực sản xuất cao su chính của Trung Quốc tại đảo Hải Nam. Cơn bão này phá hủy 16.000 hecta cây cao su, tương đương 2,1% tổng diện tích trồng cao su của Trung Quốc, theo ước tính của WhatNext Rubber.
Sản lượng cao su giảm trong năm nay có thể tiếp tục ảnh hưởng đến năm 2025. Ông Vijeth Shetty, Phó Chủ tịch cấp cao tại Olam Agri, cho biết các nhà sản xuất thường tích lũy hàng tồn kho trong nửa cuối năm để chuẩn bị cho mùa cao điểm nhu cầu vào năm sau.
Mặc dù vậy, nhu cầu tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, vẫn đang yếu do tăng trưởng kinh tế chậm lại. Tuy nhiên, các biện pháp kích thích kinh tế đã tạo ra kỳ vọng về sự cải thiện nhu cầu.