|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cao su hôm nay 17/10: Biến động trái chiều do lo ngại kinh tế Trung Quốc chậm lại

14:14 | 17/10/2024
Chia sẻ
Giá cao su hôm nay tiếp tục giảm nhẹ trên sàn Osaka, nhưng tăng trở lại trên sàn Thượng Hải. Thị trường giao dịch trầm lắng do lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm lại tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ cao su hàng đầu.

Cập nhật giá cao su thế giới

Xem thêm: Giá cao su hôm nay 16/10 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/10, hợp đồng cao su giao tháng 3 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) Nhật Bản giảm nhẹ 0,3% so với ngày hôm qua, xuống còn 385,9 yen/kg. Trong khi hợp đồng giao tháng 10 giảm 0,8% (3,2 yen/kg), ở mức 402,3 yen/kg.

Tương tự, giá cao su RSS 3 kỳ hạn tháng 11 tại Bangkok Thái Lan giảm 0,6%, về mức 91,35 Baht/kg. Đây cũng là mức giá thấp nhất ghi nhận được trong một tháng trở lại đây.

Ngược lại, hợp đồng cao su tháng 1 trên sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) Trung Quốc tăng nhẹ 120 nhân dân tệ, tương đương 0,7%, lên mức 17.880 nhân dân tệ/tấn.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ sàn Osaka Nhật Bản

Giá cao su trên các sàn giao dịch đang chịu ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế chậm lại tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ cao su hàng đầu, mặc dù đồng yên yếu đã hỗ trợ phần nào cho giá cao su.

Ông Jom Jacob, nhà phân tích trưởng tại công ty phân tích WhatNext Rubber của Ấn Độ, cho biết những lo ngại dai dẳng về sự phục hồi kinh tế yếu kém của Trung Quốc và sự thất vọng xung quanh các thông báo về gói kích thích tài khóa của nước này đã tác động đến tâm lý thị trường, khiến cho cổ phiếu Trung Quốc, thị trường chứng khoán châu Á và hàng hóa nói chung sụt giảm.

Những lo ngại này đang bao trùm thị trường cao su thiên nhiên mặc dù nguồn cung vẫn còn yếu.

Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có khả năng tăng trưởng 4,8% vào năm 2024, thấp hơn mục tiêu của Chính phủ và tăng trưởng có thể tiếp tục giảm xuống còn 4,5% vào năm 2025, tiếp tục gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách khi họ cân nhắc thêm các biện pháp kích thích kinh tế.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 9 tháng đầu năm, nhập khẩu cao su tự nhiên và tổng hợp (bao gồm cả latex) của Trung Quốc đạt 5,13 triệu tấn, giảm mạnh 13,3% so với 5,9 triệu tấn cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, giá cao su phần nào được hỗ trợ bởi tồn kho có xu hướng giảm. Tính đến ngày 6/10, tồn kho cao su thiên nhiên tại Trung Quốc là 1,14 triệu tấn, giảm 5.500 tấn, tương đương 0,5% so với kỳ trước.

Trong khi đó, đồng yen ổn định ở mức 149,15 yen/USD. Đồng tiền này đã giảm 3,6% trong tháng này do lập trường ôn hòa từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Đồng yen yếu hơn khiến tài sản tính bằng yen trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua ở nước ngoài, theo Reuters.

Về nguồn cung, trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su của Bờ Biển Ngà đạt tổng cộng 1,06 triệu tấn, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Bờ Biển Ngà là nhà sản xuất cao su tự nhiên quan trọng ở châu Phi. Trong những năm gần đây, xuất khẩu cao su của Bờ Biển Ngà đã tăng lên khi nông dân chuyển đổi cây trồng từ ca cao sang cao su do thu nhập ổn định hơn.

Xuất khẩu cao su tự nhiên và cao su hỗn hợp của Indonesia, nước sản khẩu cao su thứ hai thế giới cũng giảm tới 14% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1,05 triệu tấn trong 8 tháng đầu năm.

Cập nhật giá cao su trong nước

Tại thị trường trong nước, giá cao su hôm nay tiếp tục đi ngang so với ngày hôm qua.

Báo giá thu mua cao su của Công ty Cao su Phú Riềng đối với mủ tạp đứng ở mức 455 đồng/DRC; mủ nước là 495 đồng/TSC.

Công ty Cao su Bà Rịa đang thu mua mủ nước với giá thấp hơn, dao động 440 – 450 đồng/TSC. Trong khi mủ đông DRC (35 - 44%) đạt 15.700 đồng/kg; mủ nguyên liệu dao động 19.500 – 21.000 đồng/kg.

Tiếp đến là Công ty Cao su Mang Yang báo giá thu mua mủ nước ở mức 443 – 447 đồng/TSC; mủ đông đạt 406 – 461 đồng/DRC.

Công ty cao su Bình Long báo giá thu mua mủ nước ở mức 386 – 396 đồng/TSC; giá mủ tạp (DRC = 60%) đạt 14.000 đồng/kg.

 

Hoàng Hiệp

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.