Giá cà phê tuần qua: Lao dốc 800 đồng/kg, giá tiêu phục hồi mạnh 2.500 đồng/kg
Giá cà phê tuần qua
Giá cà phê tuần qua giảm mạnh 400 - 800 đồng/kg xuống còn 32.000 - 32.800 đồng/kg. Trong đó, giá cà phê tỉnh Đắk Nông giảm mạnh nhất xuống 32.500 đồng/kg. Mức giảm phổ biến là 700 đồng/kg ghi nhận tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Gia Lai.
Giá cà phê giao tới cảng TP HCM giảm 600 đồng/kg xuống 33.900 đồng/kg.
Diễn biến giá cà phê tuần qua. Số liệu: tintaynguyen.com
Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), trong bối cảnh giá cà phê thấp như năm 2018, việc chế biến sâu được coi là "lối ngách" cho ngành sản xuất cà phê Việt Nam.
Theo VICOFA, giá cà phê sau khi chế biến sâu trung bình đạt 3.726 - 5.112 USD/tấn, gấn gấp 2 - 3 so với giá cà phê thô xuất khẩu, theo tính toán từ số liệu của VICOFA.
Trong một báo cáo về giải pháp nâng cao giá trị cà phê xuất khẩu Việt Nam, Công ty Vinacafe Biên Hòa cho biết tính trung bình một kg cà phê thô xuất khẩu có giá chưa tới 2 USD.
Trong khi đó, cà phê đã qua chế biến có thương hiệu bán tại các cửa hàng ở nước ngoài có giá trung bình khoảng 20 USD.
Vinacafe Biên Hòa cho rằng để có thể nâng cao được giá trị cho cà phê Việt Nam, cần tạo được chuỗi giá trị liên kết, từ các mắt xích nguyên vật liệu đầu vào; sản xuất, chế biến; xây dựng, quảng bá thương hiệu và đầu ra cho sản phẩm.
Hiện nay rất nhiều vườn cà phê đã già cỗi cần thay mới, tuy nhiên diện tích tái canh còn rất hạn chế mới hơn 40%, các cây cà phê cao tuổi cho năng suất và chất lượng thấp, điều này ảnh hưởng đến chế biến đầu ra cho cà phê.
Giá tiêu tuần qua
Tuần qua, giá tiêu phục hồi mạnh 500 - 2.500 đồng/kg tại khu vực miền Nam và Tây Nguyên. Trong đó, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu tăng mạnh nhất 2.500 đồng/kg lên 47.000 đồng/kg. Mức tăng phổ biến 1.000 đồng/kg ghi nhận tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Bình Phước.
Diễn biến giá tiêu tuần qua. Số liệu: tintaynguyen.com
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho hay tình trạng cung vượt cầu đối với mặt hàng hồ tiêu trên thế giới vẫn chưa chấm dứt. Trong khi đó, 95% tiêu của Việt Nam dùng để xuất khẩu nên yếu tố thị trường thế giới ảnh hưởng rất lớn đến giá tiêu trong nước.
Theo ông Hải, đây chính là hệ quả của việc phá vỡ quy hoạch trồng tiêu. Giai đoạn 2013 - 2014, giá tiêu đạt kỉ lục, người dân ồ ạt trồng tiêu. Thậm chí có những vùng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp với cây tiêu nhưng người dân vẫn cố tình trồng.
Hệ quả là chỉ trong vòng 5 năm (từ 2013 - 2018) diện tích tiêu tăng gấp ba lần từ 53.000 lên 152.000 ha. Trong khi đó, theo Quyết định 1442 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 diện tích trồng hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở 50.000 ha.
Chủ tịch VPA thông tin ngoài Việt Nam, các nước trồng tiêu khác như Brazil, Campuchia cũng tăng diện tích theo. Tồn kho năm này qua năm khác dồn ứ, cung nhiều hơn cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng.