|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hết thương nhau thì... bỏ

16:53 | 17/03/2019
Chia sẻ
Chắc chắn 100% người trồng cà phê trên thế giới đều giơ hai tay hoan nghênh và đồng tình với nông dân Colombia khi hiệp hội cà phê của họ quyết định “ly hôn” với sàn giao dịch cà phê phái sinh arabica New York.
Hết thương nhau thì... bỏ - Ảnh 1.

Đã từ lâu, không chỉ Colombia mà tất cả các nước sản xuất cà phê khác, kể cả hai nước sản xuất hàng đầu là Brazil và Việt Nam, đều “đeo” theo giá do hai sàn kỳ hạn cà phê quyết định - sàn robusta London và sàn arabica New York. Thế mà từ ba bốn niên vụ nay, giá trên sàn chẳng chịu “quan tâm” gì đến giá thành sản xuất của nông dân, vốn là sinh kế của hàng trăm triệu gia đình trên toàn thế giới và hàng chục quốc gia có mặt hàng cà phê là một trong những nguồn thu nhập chính của họ.

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên ý kiến “ly khai” với các sàn giao dịch phái sinh được đưa ra, nhưng là lần có ý nghĩa và có trọng lượng nhất vì đó là tiếng nói của hiệp hội ngành hàng của một nước sản xuất mà sàn kỳ hạn cà phê arabica New York sử dụng hàng hóa của họ (dù có thể chỉ là danh nghĩa) làm thương phẩm cơ sở để giao dịch.

Nếu cho giá thị trường hàng hóa được điều tiết bằng cán cân cung-cầu thì một khi nông dân bán sản phẩm của mình dưới giá thành chỉ cần một vài niên vụ, tức khắc giá sẽ được điều chỉnh lại một cách tự nhiên vì giá bán ra dưới giá thành ắt triệt tiêu sản xuất.

Hiệp hội Cà phê Colombia đã đưa ra bài toán giá thành và giá thị trường để chứng minh cho phía người mua vốn thường dựa vào giá niêm yết của sàn kỳ hạn mà mua hàng. Để gọi là ngang giá thành từ cổng vườn ra thị trường nội địa, nông dân trồng cà phê Colombia cần thu được 760.000 peso hay tương đương với 240 đô la Mỹ cho một khối lượng 125 ki lô gam. Tuy nhiên, giá thực tế hiện nay không đạt mức ấy, như ngày 25-2-2019 chỉ được 690.000 peso, hãng tin Reuters dẫn theo lời của quan chức Hiệp hội Cà phê Colombia.

Roberto Velez, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Colombia nói với Reuters rằng: “Đã đến lúc phải nghĩ một cách khác và cắt đứt giá cà phê Colombia khỏi sàn giao dịch phái sinh cà phê New York, bấy giờ mới đạt được giá trị cà phê ngang với giá thành cộng với chút lợi nhuận”. “Nếu quý vị muốn có cà phê thì hãy trả đúng giá, nếu trả giá không tới thì đừng mua cà phê Colombia, nếu không hột cà phê Colombia không sống nổi”, ông Velez nói một cách rõ ràng và dứt khoát.

Giá kỳ hạn cà phê arabica những ngày qua trên sàn New York quanh mức 100 cts/lb (chừng 2.200 đô la Mỹ/tấn), nhưng giá cà phê Colombia chỉ sống được khi thị trường này ở mức 140-150 cts/lb (xoay quanh 3.200 đô la/tấn).

Đấy được xem là một lời kêu gọi chính thức từ Hiệp hội Cà phê Colombia. Ông Roberto Velez cũng rất mong nông dân cà phê trong nước và các nước sản xuất bạn bè ủng hộ.

Thiết nghĩ đã đến lúc ngành cà phê Việt Nam cũng nên tính toán lại có cần sử dụng sàn robusta London làm “kim chỉ nam” như từ khi hột cà phê Việt Nam xuất hiện trên thị trường thế giới.

Sân chơi trên các thị trường phái sinh hàng hóa thương phẩm nay không còn như ban đầu. Chúng đã bị khuynh loát nặng nề bởi các nguồn vốn khổng lồ trên thị trường tài chính quốc tế.

Các quỹ đầu tư tài chính cầm trong tay hàng trăm tỉ đô la, chỉ cần đặt cược bằng cách mua khống hay rút cược tức bán khống là giá các sàn thương phẩm bị “nắn dòng” theo mà không cần bất kỳ tác động nhỏ to nào của các yếu tố cung-cầu.

Thực ra, sân chơi ấy chỉ dành cho giới kinh doanh tài chính. Cũng không nên ngạc nhiên khi các quỹ đầu tư tài chính với nguồn vốn dồi dào, họ nay đã chuyển qua cách chơi theo từng nhóm hàng, đặt một lúc vài chục tỉ đô la vào nhóm hàng năng lượng, rồi chuyển qua nhóm kim loại hay dời qua nhóm nông sản. Giá từng mặt hàng đơn lẻ như cà phê, đậu nành, dầu thô Brent, sắt, thép... không còn phản ánh yếu tố cung-cầu mà được điều tiết bằng cách di chuyển dòng vốn trên để kiếm lợi.

Hai sàn cà phê từ năm năm trở lại đây đã bị các quỹ này “rút cược”, họ nắn dòng vốn về các sàn kim loại và năng lượng, nên giá arabica New York từ 225 cts/lb, tương đương với 4.960 đô la Mỹ/tấn (tháng 10-2014), xuống còn 100 cts/lb; và robusta từ 2.275 và 2.250 đô la (tháng 3-2014 và tháng 1-2017) xuống còn 1.530 đô la/tấn như hiện nay.

Sản xuất ra cà phê để thua và làm công không cho người khác, đi buôn để càng mang nợ do mình không quyết định được giá bán, như cặp vợ chồng không hòa hợp thì bỏ nhau cho xong chứ còn níu kéo làm gì!

Giá cà phê arabica năm 2019 dự kiến tăng khi sản lượng tại Brazil thấpGiá cà phê arabica năm 2019 dự kiến tăng khi sản lượng tại Brazil thấp Bloomberg: Nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ hai Việt Nam lên kế hoạch bán vốn cho nước ngoàiBloomberg: Nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ hai Việt Nam lên kế hoạch bán vốn cho nước ngoài Giá cà phê tuần qua: Lao dốc 800 đồng/kg, giá tiêu phục hồi mạnh 2.500 đồng/kgGiá cà phê tuần qua: Lao dốc 800 đồng/kg, giá tiêu phục hồi mạnh 2.500 đồng/kg

Nguyễn Quang Bình