Giá cà phê trong nước trái chiều
Cụ thể, giá cà phê nhân xô trung bình tăng 100 đồng/kg tại Đắk Lắk và Đắk Nông và giảm 100 đồng/kg tại Lâm Đồng và Gia Lai. Hiện tại, cà phê tại Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông vẫn giữ giá bằng hoặc trên 41.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá FOB cà phê tại cảng TP Hồ Chí Minh giảm 10 USD xuống 1.876 USD/tấn với tỷ giá USD/VND duy trì ở 22.270.
Đây là phiên đầu tiên trong nhiều tháng qua, giá cà phê trong nước tăng giảm trái chiều.
Tuần trước, thị trường cà phê trong nước ghi nhận tuần tăng giá thứ 4 liên tiếp với mức tăng trung bình là 600 đồng/kg, với 3 phiên lập đỉnh, 2 phiên giảm và 1 phiên đi ngang. Trong tuần, giá cà phê trong nước đồng loạt vượt ngưỡng 41.000 đồng/kg trong phiên 22/9.
Cùng với xu hướng của cà phê thế giới, cà phê Tây Nguyên đang trên đà tăng giá mạnh sau loạt dự báo của một số chuyên gia cho rằng, sản lượng cà phê niên vụ 2016 – 2017 của Việt Nam và Brazil sẽ sụt giảm vì hạn hán kéo dài.
Thương mại cà phê Việt Nam theo đó cũng sẽ trì trệ hơn trong tháng 10/2016 do dự trữ tại các hộ gia đình giảm, giới thương nhân dự đoán. Trong khi đó, các hãng xuất khẩu cũng hạn chế bán ra trước đồn đoán thời điểm thu hoạch cà phê ở Việt Nam sẽ bị lùi lại vì điều kiện thời tiết bất lợi, đặc biệt là tại vựa cà phê chính Đắk Lắk.
Đến cuối tuần, thị trường cà phê trong nước và thế giới bất ngờ giảm mạnh do giới đầu tư chốt lời với các hợp đồng kỳ hạn, đặc biệt là với robusta, sau đợt tăng giá liên tiếp trước đó.
Diễn biến giá cà phê Việt Nam có sự tương đồng rất lớn với giá cà phê robusta trên sàn ICE châu Âu trong tuần qua. Theo đó, giá cà phê robusta giao tháng 11/2016 cũng lập đỉnh kỷ lục, vượt 2.000 USD/tấn trong phiên 22/9.
Trong khi đó, giá cà phê arabica tại Mỹ chủ yếu giao dịch theo thị trường cà phê arabica của Brazil. So với cà phê robusta, thị trường cà phê arabica biến động thất thường hơn và đang trên đà giảm.