Giá cà phê trong nước duy trì đà tăng mạnh
Trong nước, giá cà phê trung bình tại 4 tỉnh trồng cà phê lớn nhất, gồm Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai và Đắk Nông, đồng loạt tăng 300 đồng/kg. Trong đó, cà phê Gia Lai vẫn cao nhất ở mức 40.900 đồng/kg và Lâm Đồng rẻ nhất ở 40.300 đồng/kg.
Như vậy qua 4 phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê trong nước đã tăng 1.300 đồng/kg.
Giá FOB cà phê tại cảng TP. Hồ Chí Minh cũng tăng 15 USD lên 1.862 USD/tấn sau phiên hôm qua tăng mạnh nhất kể từ ngày 3/9.
Trên thị trường quốc tế, so với đà tăng bền vững của giá cà phê robusta, giá cà phê arabica liên tục biến động thất thường. Chốt phiên 8/9, trong khi giá cà phê robusta các kỳ hạn tiếp tục tăng 1%, trong khi giá cà phê arabica tại Mỹ bất ngờ quay đầu giảm sau 2 phiên tăng giá liên tiếp.
Cụ thể, giá cà phê robusta các kỳ hạn trên sàn ICE châu Âu tăng tiếp 1% và duy trì trên ngưỡng 1.900 USD/tấn. Ngược lại, giá cà phê arabica giao cuối năm 2016 – nửa đầu năm 2017 bất ngờ giảm nhẹ, trong khi , cà phê arabica của Brazil giao trong cùng kỳ vẫn tăng giá.
Trong vài phiên gần đây, giá hai loại cà phê này liên tục lập đỉnh và hiện đang ở mức cao nhất 18 tháng. Theo số liệu của Capital Economics, giá cà phê arabica và robusta đã tăng lần lượt 20% và 25% kể từ đầu năm 2016 đến nay, chủ yếu do lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu.
Mới đây, Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) đã hạ dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2016-2017 do tình trạng hạn hán kéo dài tại khu vực trồng cà phê thuộc bang Bahia của nước này. IBGE ước tính, tổng sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ này chỉ đạt 47,8 triệu bao, giảm 2,7% so với dự báo hồi tháng 8.
Ngay sau đó, Hiệp hội Cà phê Colombia cũng công bố báo cáo cho biết, sản lượng cà phê của nước này chỉ đạt 1,189 triệu bao trong tháng 8, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kể từ tháng 10/2015 – thời điểm bắt đầu vụ mùa 2016-2017, sản lượng cà phê của Colombia đã tăng 5,7% lên 12.975.000 bao. Trong đó, xuất khẩu cà phê ra nước ngoài của Colombia cũng theo đó tăng vọt 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái khi đội ngũ lái xe vận chuyển cà phê dừng đình công,
“Đầu năm nay, lo ngại về hậu quả do hiện tượng El-Nino gây ra cho khu vực trồng cà phê robusta ở Đông Nam Á đã đẩy giá thị trường lên cao. Khi đó, hai nước sản xuất lớn nhất khu vực, Việt Nam và Indonesia, phải hứng chịu đợt hạn hán rất khắc nghiệt. Kết quả là, giá cà phê robusta tăng mạnh hơn cả cà phê arabica, chênh lệch giá giữa hai loại cà phê theo đó cũng thu hẹp lại”, nhóm chuyên gia của Capital Economics cho biết.
Họ dự báo rằng, nếu nguồn cung cà phê trên toàn cầu đột ngột tăng, thì giá mặt hàng này có thể sẽ giảm mạnh trong ngắn hạn vì nhu cầu tiêu thụ hiện vẫn còn khá yếu ớt.