Giá cà phê quay trở lại đà tăng trong tháng 5
Tháng 5, giá cà phê thế giới có xu hướng tăng trở lại. Thị trường xuất hiện một số thông tin tích cực như Thượng Hải, cảng biển giao thương hàng hóa sầm uất nhất thế giới, được dỡ bỏ lệnh phong tỏa, giúp thị trường hàng hóa toàn cầu được lưu thông thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, đồng Real tăng lên mức cao 5 tuần so với đồng USD đã hạn chế người trồng cà phê Brazil bán hàng vụ mới.
Số liệu thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2022, Brazil xuất khẩu 14,1 triệu bao cà phê loại 60 kg, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2021. Các quỹ hàng hóa tăng mua góp phần đẩy giá cà phê giao kỳ hạn tăng lên mức cao nhất 6 tuần.
Trên sàn giao dịch London, ngày 28/5, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 7 và tháng 9 tăng lần lượt 0,4% và 0,1% so với ngày 29/4, lên mức 2.097 USD/tấn và 2.096 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 28/5 giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 7 tăng 5,4% so với ngày 29/4, lên mức 229,45 UScent/pound
Tháng 5, giá cà phê robusta nội địa có xu hướng phục hồi theo giá thế giới. Ngày 28/5, giá cà phê robusta tại thị trường nội địa tăng 600 đồng/kg so với ngày 29/4, lên mức 42.000 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; 41.400 đồng/kg tỉnh Lâm Đồng; 41.900 đồng/kg tại các tỉnh Gia Lai và Đắk Nông.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới. Nguồn cung cấp cà phê arabica chế biến ướt chất lượng cao cho sàn New York chủ yếu từ khối sản xuất Mexico– khu vực Trung Mỹ dường như đã cạn kiệt do việc đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn giá cao từ đầu năm, cũng như việc vận chuyển và giao hàng thuận lợi hơn từ các nguồn gốc xuất xứ khác.
Ước tính khối sản xuất này cung cấp cà phê arabica chế biến ướt chất lượng cao cho thị trường tiêu thụ toàn cầu xấp xỉ 18 triệu bao mỗi năm. Theo báo cáo từ Cecafé của Brazil cho biết, vụ thu hoạch cà phê robusta bị chững lại do yếu tố thời tiết không thuận lợi, trong khi đó, nhu cầu cà phê nguyên liệu để sản xuất cà phê hòa tan và rang xay cũng tăng cao, có khả năng lên tới 22,5 triệu bao trong năm nay.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), xuất khẩu cà phê của Brazil, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong tháng 4 đã giảm 24% so với cùng kỳ xuống còn 2,8 triệu bao (loại 60kg), mức thấp nhất trong 4 năm qua.
Sự sụt giảm này là do chu kỳ sản xuất thấp hai năm một lần vào năm ngoái, trong khi sử dụng cà phê robusta của nước này ngày càng tăng và các vấn đề chuỗi cung ứng liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine cũng như các biện pháp phong tỏa chống dịch tại Trung Quốc.
Công ty Cung ứng Quốc gia Brazil (CONAB) dự báo sản lượng cà phê của nước này trong niên vụ 2022-2023 đạt 53,4 triệu bao, thấp hơn 2,3 triệu bao so với dự báo trước đó nhưng tăng 12% so với niên vụ 2021-2022. Mặc dù vậy, sản lượng vẫn thấp hơn 15,3% (tương ứng 9,6 triệu bao) so với vụ mùa kỷ lục 63,1 triệu bao được thu hoạch vào năm 2020.